Các địa phương chủ động phương án đón người dân trở về từ nơi có dịch

0:00 / 0:00
0:00
Ninh Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng đã tạo điều kiện, chuẩn bị các khu cách ly để tiếp nhận, cách ly y tế người từ ngoài tỉnh về cư trú trên địa bàn tỉnh.
Người dân từ Đồng Nai về được tập trung theo khu vực để kiểm tra dịch bệnh trước khi đưa đi cách ly tập trung. (Ảnh: Công Thử/TTXVN).

Người dân từ Đồng Nai về được tập trung theo khu vực để kiểm tra dịch bệnh trước khi đưa đi cách ly tập trung. (Ảnh: Công Thử/TTXVN).

Chiều 2/10, khoảng 2.000 công dân của tỉnh Ninh Thuận đang công tác, làm việc tại tỉnh Đồng Nai đã về đến địa phương.

Để chủ động trong công tác phòng, chống dịch, tỉnh Ninh Thuận đã bố trí lực lượng chức năng đón công dân tại điểm đầu của tỉnh (khu công nghiệp Phước Nam, huyện Thuận Nam) để kiểm tra theo quy định; đồng thời chuẩn bị phương tiện để đưa số công dân này đi cách ly theo đúng nơi cư trú.

Ngay khi đến huyện Thuận Nam, rất đông công dân của tỉnh Ninh Thuận cũng như công dân các tỉnh khu vực miền Trung đã được lực lượng chức năng đưa vào khu công nghiệp Phước Nam để cách ly tập trung.

Đối với công dân của tỉnh Ninh Thuận, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chuẩn bị sẵn cơ sở đón tiếp; bố trí lực lượng cán bộ y tế kiểm tra các giấy tờ có liên quan như: giấy xét nghiệm SAS-CoV-2 mới nhất, phiếu tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nơi sở; đồng thời thực hiện test nhanh và lấy mẫu gộp xét nghiệm SARS-CoV-2…

Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, cho biết thực tế số công dân của tỉnh về đợt này không nằm trong kế hoạch đón về của tỉnh. Tuy nhiên, khi hay tin có công dân tự phát về trong ngày hôm nay, ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ động xử lý vụ việc; chỉ đạo chính quyền các địa phương sẵn sàng cử lực lượng túc trực, bố trí điểm đón tiếp để thực hiện kiểm tra công tác phòng dịch COVID-19 theo quy định.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận yêu cầu chính quyền các địa phương chuẩn bị đủ phương tiện; đồng thời rà soát thật kỹ số lượng công dân của mình để đưa đến khu cách ly tập trung theo quy định.

Nếu trường hợp địa phương nào có công dân về đông, vượt khả năng tổ chức cách ly tập trung thì các địa phương khác phải có trách nhiệm san sẻ, nhận về cách ly. Nếu nhiều địa phương vượt quá khả năng thì chuyển lên tuyến tỉnh cách ly.

Đối với công dân các tỉnh khu vực miền Trung về cùng đợt này, sau khi kiểm tra theo quy định, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận bố trí lực lượng chức năng dẫn đường đưa đến tận địa bàn giáp ranh để bàn giao cho các tỉnh.

Trà Vinh lập khu cách ly để tiếp nhận người dân về cư trú

Ngày 2/10, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, ký quyết định thành lập Khu cách ly tập trung số 4 tại Ký túc xá Trường Đại học Trà Vinh (số 126, Nguyễn Thiện Thành, khóm 4, phường 5, thành phố Trà Vinh) để tiếp nhận, cách ly y tế người từ ngoài tỉnh về cư trú trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Trường Đại học Trà Vinh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các sở, ngành liên quan thành lập sớm các Tổ điều hành phục vụ và xây dựng kế hoạch hoạt động của Khu cách ly tập trung; sẵn sàng tiếp nhận cách ly y tế người từ ngoài tỉnh.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết tối ngày 1 và rạng sáng 2/10, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 1.800 người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trở về; trong số này, khoảng 1.300 người đã được 8 huyện, thị xã tiếp nhận và bố trí cách ly tập trung tại địa phương.

Số người còn lại được đưa đi cách ly tạm thời tại một trường học ở huyện Càng Long, đang chờ chuyển về Khu cách ly tập trung số 4 tại Ký túc xá Trường Đại học Trà Vinh.

Người dân về quê sau khi Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách. (Ảnh: TTXVN phát).
Người dân về quê sau khi Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách. (Ảnh: TTXVN phát).

Trước đó, trong các ngày 28-30/9, tỉnh cũng đã tiếp nhận trên 500 người ngoài tỉnh trở về và đã được bố trí cách ly tập trung. Đến chiều 2/10, tại chốt cầu Cổ Chiên có khoảng 700 người đang chờ vào tỉnh.

Dự kiến đêm 2/10, tỉnh sẽ tiếp tục tiếp nhận và đưa những người dân này vào các khu cách ly tập trung của tỉnh.

Từ ngày 1/10, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh nới lỏng giãn cách xã hội nên số lượng người dân Trà Vinh trở về địa phương gia tăng.

Trong khi đó, các khu cách ly tập trung của tỉnh Trà Vinh chủ yếu sử dụng các trường học, nay đã vào năm học mới nên phải trả lại, vì vậy tỉnh đang cố gắng tìm chỗ cách ly tập trung để tiếp nhận người dân.

Dự kiến, Ký túc xá Trường Đại học Trà Vinh có thể tiếp nhận khoảng 800 người.

Tính đến chiều 2/10, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 1.513 ca dương tính với SARS-CoV-2. Trong số này, tỉnh đã điều trị khỏi bệnh 1.399 ca và có 21 ca tử vong.

Sóc Trăng kích hoạt lại các khu cách ly tập trung

Theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, trong 2 ngày từ 1-2/10, sau khi Thành phố Hồ Chí Minh nới lỏng giãn cách xã hội, đã có khoảng 3.000 công dân của tỉnh Sóc Trăng từ các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... chạy xe máy về quê. Riêng trong ngày 2/10, con số này là trên 500 người.

Việc những đoàn người tự ý về quê bằng xe máy tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 rất lớn.

Do đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp, điều động, bố trí người dân về các khu cách ly tập trung ở các tuyến trong tỉnh.

Trước đó, trong ngày 1/10, tỉnh Sóc Trăng đã kích hoạt trở lại toàn bộ các khu cách ly tập trung phòng, chống dịch COVID-19 sau khi có rất nhiều người dân của tỉnh đang sinh sống, lao động, học tập ở ngoài tỉnh tự ý trở về địa phương bằng các phương tiện cá nhân.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng cũng đã chỉ đạo các huyện, thị xã và thành phố phải khẩn trương kích hoạt lại tất cả các khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng (hoặc có thể mở thêm) để tiếp nhận công dân trở về từ các tỉnh, thành phía Nam.

Sở Y tế Sóc Trăng được lãnh đạo tỉnh giao nhiệm vụ tăng cường đội lấy mẫu, xét nghiệm, trả kết quả thần tốc; các địa phương phải xây nhà vệ sinh riêng trong từng phòng tại khu cách ly để chống lây nhiễm chéo.

Trong ngày 2/10, các đơn vị được giao phải thành lập ngay khu quản lý, điều hành khu cách ly tập trung, khu điều trị F0 không triệu chứng để đưa vào hoạt động ngay.

Bệnh viện điều trị COVID-19 tỉnh Sóc Trăng tại Bệnh viện Sản-Nhi cũ sẽ chính thức bắt đầu hoạt động từ sáng ngày 3/10.

Cũng trong ngày 2/10, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản đề nghị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện chiến lược “5K + vaccine + công nghệ” trong phòng, chống dịch COVID-19, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng yêu cầu tất cả các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, trường học, bệnh viện, cửa hàng, cửa hiệu, chợ, siêu thị, các cơ sở tôn giáo,… tạo mã QR địa điểm và thực hiện kiểm soát người ra vào bằng mã QR để phục vụ công tác truy vết, khoanh vùng khi có phát sinh ca nhiễm, nghi nhiễm có liên quan.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ động tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh việc đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; trong đó, có việc đầu tư các trang thiết bị để phục vụ việc kiểm soát người, phương tiện ở các chốt kiểm soát dịch trên địa bàn tỉnh...

Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng (nhập liệu, chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, cấp chứng nhận tiêm chủng qua sổ sức khoẻ điện tứ,…); nền tảng lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm điện tử (quét mã QR của người dân khai báo y tế điện tử để nhập thông tin vào hệ thống và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến cho người dân qua ứng dụng PC-COVID); nền tảng quản lý chuỗi lây nhiễm.

Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, giáo viên, phụ huynh, học sinh, các chức sắc, chức việc các tôn giáo và các nhân dân trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19; cài đặt, sử dụng ứng dụng khai báo y tế điện tử (PC-COVID…) và thực hiện khai báo y tế điểm đến trong sinh hoạt, lao động, học tập… hằng ngày.

Tin bài liên quan