Các công ty phải đối mặt với hiện thực mới sau thuế quan của Tổng thống Trump

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tổng thống Donald Trump đã đẩy mạnh cuộc chiến thương mại toàn cầu với mức thuế quan từ 10% đến gần 50% tùy thuộc vào từng quốc gia, trong một động thái mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ làm tăng chi phí, ảnh hưởng việc làm, làm chậm tăng trưởng và cô lập Mỹ khỏi hệ thống thương mại toàn cầu mà nước này đã tiên phong và thúc đẩy trong nhiều thập kỷ.
Các công ty phải đối mặt với hiện thực mới sau thuế quan của Tổng thống Trump

Tổng thống Trump cho biết, các khoản thuế sẽ mang việc làm trở lại Mỹ - nhưng các giám đốc điều hành ngay sau đó đã tập trung vào khả năng tăng giá, giảm lượng hàng hóa vận chuyển đến nền kinh tế lớn nhất thế giới hoặc cắt giảm hoàn toàn hoạt động đầu tư.

"Thực tế rất rõ ràng: những mức thuế này sẽ đẩy giá hàng nghìn mặt hàng tiêu dùng hàng ngày lên cao hơn và điều đó sẽ thúc đẩy lạm phát tại thời điểm mà nó đã dai dẳng một cách khó chịu", Nigel Green, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn tài chính toàn cầu deVere Group cho biết.

Tổng thống Trump xem thuế quan là một cách bảo vệ nền kinh tế trong nước khỏi sự cạnh tranh toàn cầu không lành mạnh và là một công cụ đàm phán để có được các điều khoản tốt hơn cho Mỹ.

Phương pháp phổ biến nhất để giải quyết thuế quan là tăng giá, chuyển chi phí cho khách hàng miễn là họ có thể chịu đựng được. Các công ty khác có thể cố gắng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhưng mức thuế quan đáp trả 34% của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc và những quốc gia châu Á lân cận khiến việc dịch chuyển chuỗi cung ứng khó xảy ra hơn.

"Điều đầu tiên hiện nay - và mọi người đều đang làm - là chúng tôi sẽ gửi thư để thông báo rằng chúng tôi sẽ tăng giá", Bill Canady, CEO của Arrowhead Engineered Products, nhà sản xuất phụ tùng thay thế của Mỹ nói và cho biết công ty cũng đang làm việc với các nhà cung cấp châu Á để xem liệu họ có chịu một phần chi phí hay không.

Một số công ty châu Âu chủ yếu phục vụ người tiêu dùng có thu nhập cao đã có kế hoạch tăng giá ngay cả trước khi các quốc gia Liên minh châu Âu phải đối mặt với mức thuế 20%.

Nhà Trắng cho biết, thuế quan sẽ khuyến khích nhiều hoạt động chuyển sản xuất về Mỹ hơn, tương tự như thỏa thuận thương mại USMCA được cải tổ mà Tổng thống Trump đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên, khuyến khích hoạt động sản xuất chuyển từ Trung Quốc sang Mexico hoặc Canada.

Tuy nhiên, một số nhà nhập khẩu có thể chọn không đưa hàng hóa tới Mỹ vì thuế quan. Mỹ là nước nhập khẩu ô tô lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và các đồng minh truyền thống khác cũng như hàng hóa công nghệ giá trị cao.

"Thuế quan đối ứng sẽ khiến hầu hết các nhà nhập khẩu không có trách nhiệm về mặt tài chính khi tiếp tục đưa hàng vào Mỹ… Những công ty này sẽ phải chuyển một khoản chi phí tăng lớn cho người tiêu dùng để thực hiện điều đó, thành thật mà nói, người tiêu dùng có thể không muốn trả", Erik Rosica, giám sát bán hàng tại công ty hậu cần vận tải OEC Group New York cho biết.

Theo các giám đốc điều hành mà Reuters phỏng vấn, rủi ro nghiêm trọng nhất là các doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi tiêu do tình trạng bất ổn. Một số giám đốc điều hành cho biết, họ đã dành vài tháng qua để đẩy nhanh việc mua hàng để đưa hàng tồn kho vào Mỹ. Các nhà sản xuất ô tô, công ty hàng không vũ trụ, nhà bán lẻ đều tăng nhập khẩu - khiến thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng vọt lên mức kỷ lục 157 tỷ USD vào tháng 1 - trước khi áp thuế. Bây giờ, họ có nhiều khả năng sẽ trì hoãn các kế hoạch chi tiêu.

"Họ sẽ đóng chặt cửa, không đầu tư, không thực hiện bất kỳ thỏa thuận nào và cắt giảm chi phí để cố gắng vượt lên trước bất kỳ tình trạng kinh tế nào sắp tới, hoặc có thể là suy thoái kinh tế", Bill George, cựu Giám đốc điều hành của Medtronic và là thành viên điều hành tại Trường Kinh doanh Harvard cho biết.

Tin bài liên quan