Các công ty ở thị trường mới nổi gặp rủi ro với khoản nợ đến hạn 400 tỷ USD trong năm 2024

Các công ty ở thị trường mới nổi gặp rủi ro với khoản nợ đến hạn 400 tỷ USD trong năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các công ty ở thị trường mới nổi đang dễ bị tổn thương khi lãi suất đi vay toàn cầu tăng lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, làm ngăn chặn cơ hội tái cấp vốn cho các khoản nợ 400 tỷ USD sắp đáo hạn trong năm 2024.

Khi lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 15 năm và chi phí đi vay tăng vọt, các công ty từ các quốc gia đang phát triển chỉ xoay sở được 10% số tiền họ cần. Hơn nữa, những khó khăn có thể chỉ mới ở giai đoạn đầu khi những thách thức tái cấp vốn có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn khi một loạt trái phiếu doanh nghiệp trị giá 300 tỷ USD khác đến hạn vào năm 2025.

Các nhà quản lý tiền tệ và các cơ quan xếp hạng tín nhiệm cho biết, lãi suất càng cao thì tình huống này càng trở nên phức tạp hơn. Đối với các công ty có chất lượng tài chính tốt, lãi suất có thể tăng đột biến, nhưng đối với một số công ty được xếp hạng thấp hơn, điều này khiến các giao dịch tái cấp vốn không thành công, có thể dẫn đến vỡ nợ hoặc thậm chí phá sản.

Sergey Dergachev, nhà quản lý danh mục đầu tư và giám đốc trái phiếu doanh nghiệp thị trường mới nổi tại Union Investment Privatfonds GmbH cho biết, trong khi một số công ty tốt có thể tránh được tình trạng vỡ nợ, thì có một góc của thị trường này vẫn rất dễ bị tổn thương.

“Đặc biệt, tôi thấy một số công ty ở Trung Quốc, Argentina, Brazil và Ukraine dễ bị tổn thương bởi nợ tái cấp vốn trong môi trường này”, ông nói và cho biết thêm: "Chúng tôi đã thấy điều này diễn ra trong các tình huống từ Colombia đến Dubai, một số công ty tại đây không có lựa chọn nào khác ngoài việc trang trải các khoản nợ đáo hạn sắp tới với lãi suất ở mức gần hai con số".

Trong đó, Tập đoàn Ecopetrol SA của Colombia đã phải chịu mức lãi suất 8,625% và 9% để vay 1,5 tỷ USD vào tháng 6, lãi suất vay đã tăng 4 điểm phần trăm trong hai năm. Shelf Drilling Holdings Ltd. có trụ sở tại Dubai đã chào bán 1,1 tỷ USD trái phiếu vào tháng 9 với lãi suất 10,125% trong một khoản tái cấp vốn, là mức lãi suất coupon cao nhất mà công ty này từng đưa ra.

Chỉ số lợi suất trái phiếu của các công ty lợi suất cao ở các thị trường mới nổi của Bloomberg

Chỉ số lợi suất trái phiếu của các công ty lợi suất cao ở các thị trường mới nổi của Bloomberg

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tính đến năm 2023, các công ty ở thị trường mới nổi đã vỡ nợ 26 tỷ USD, nâng tổng số tiền chưa thanh toán trong chu kỳ thắt chặt hiện tại của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lên tới 80 tỷ USD. Con số này cao hơn nhiều so với chỉ 9,3 tỷ USD cho năm 2021 và 9,5 tỷ USD vào năm 2020.

Warren Hyland, nhà quản lý tiền tệ tại Muzinich & Co. cho biết: “Lợi suất cao là điều cần quan tâm. Chúng ta đang ở thời điểm đó trong chu kỳ mà chúng ta kỳ vọng các công ty ma trận tín dụng yếu hơn sẽ hoạt động kém hiệu quả và khi nguồn tài trợ trở nên hạn chế, việc phân bổ cho các thị trường xếp hạng B hay CCC và thị trường cận biên sẽ giảm xuống”.

Các nhà đầu tư đặt cược vào khả năng khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi sẽ giảm bớt trong năm nay đã thất vọng. Chỉ số Bloomberg EM USD Aggregate Corporate Index đã khiến các nhà quản lý tài sản lỗ tổng cộng 0,6% trong năm nay, so với mức tăng 4,3% mà họ kiếm được từ thước đo tương tự về trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao của Mỹ. Điều đó đang thúc đẩy các nhà đầu tư thắt chặt hầu bao trên thị trường sơ cấp trong việc vay bằng ngoại tệ mạnh.

Thiệt hại từ lợi suất cao

Trong khi hầu hết các khoản nợ doanh nghiệp sắp đến hạn ở các thị trường mới nổi đều thuộc xếp hạng có thể đầu tư (investment grade), thì các khoản nợ đáo hạn trị giá 110 tỷ USD sẽ phải đối mặt với các tổ chức phát hành được xếp hạng thấp hơn trong hai năm tới. Đây là nơi hầu hết các nhà quản lý tài sản cho rằng các khó khăn tái cấp vốn và thất bại sẽ xảy ra.

Các công ty phát hành trái phiếu có lợi suất cao đã gặp khó khăn trong việc tái cấp vốn cho trái phiếu trong năm nay, trong đó chỉ có một trong bốn giao dịch đã hoàn tất đến từ các công ty được “xếp hạng rác”. Nhóm này đã huy động được tổng cộng 11 tỷ USD thông qua tái cấp vốn, một phần nhỏ trong số 75 tỷ USD huy động được vào năm 2021. Khi các công ty này nhận thấy sức hấp dẫn đầu tư của họ bị xói mòn do áp lực tái cấp vốn, các công ty được xếp hạng cao hơn sẽ được hưởng lợi.

Nợ đến hạn của các công ty ở thị trường mới nổi trong những năm tới

Nợ đến hạn của các công ty ở thị trường mới nổi trong những năm tới

Arnaud Boué, giám đốc điều hành tại Bank Julius Baer & Co. cho biết, khi khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ bằng đồng đô la và đồng euro cạn kiệt, các công ty được xếp hạng thấp hơn có thể tìm thấy các con đường khác như phát hành trái phiếu bằng nội tệ hoặc vay ngân hàng để có thể vượt qua nút thắt tái cấp vốn.

“Trong những năm qua, các công ty đã chủ động tái cấp vốn. Họ có thể tiếp cận thị trường địa phương hoặc thị trường cho vay để tái cấp vốn và ở mức độ tốt hơn trong hầu hết thời gian. Cuối cùng, họ có thể sử dụng tiền mặt hoặc tham gia bán tài sản để đáp ứng các nghĩa vụ nợ”, ông cho biết.

Các nhà phân tích của S&P Global cho biết, cạnh tranh về thanh khoản giữa các tổ chức phát hành sẽ rất khốc liệt trong hai năm tới, đặc biệt là đối với các tổ chức phát hành được xếp hạng thấp hơn, do phần bù rủi ro quốc gia cao hơn so với các nền kinh tế tiên tiến. Khi kỳ nghỉ cuối năm đến gần và căng thẳng ở Trung Đông vẫn leo thang, cơ hội phát hành trái phiếu của những cái tên rủi ro sẽ sớm đóng lại.

Stefan Weiler, người đứng đầu thị trường vốn nợ khu vực Trung, Đông Âu và châu Phi tại JPMorgan Chase cho biết: “Chúng tôi vẫn có một số người đi vay đang theo dõi chặt chẽ các điều kiện thị trường để tìm ra cơ hội phát hành thuận lợi… Dòng vốn từ huy động trái phiếu nước ngoài của các thị trường mới nổi sẽ đáng kể trong vài năm tới và trong bối cảnh môi trường lãi suất của Mỹ cao hơn trong thời gian dài hơn, một số người đi vay có thể gặp khó khăn khi tái cấp vốn ở mức lãi suất bền vững trên thị trường trái phiếu quốc tế”.

Tin bài liên quan