Các công ty F&B lớn của Nhật Bản đang cân nhắc mở cả trăm cửa hàng tại Việt Nam trong thời gian tới

Các công ty F&B lớn của Nhật Bản đang cân nhắc mở cả trăm cửa hàng tại Việt Nam trong thời gian tới

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Mặc dù dữ liệu vĩ mô của chính phủ có vẻ mạnh mẽ, nhưng nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B tại Việt Nam đang gặp khó khăn. Tuy vậy, tình hình tại thành phố lớn có sự khác nhau, trong khi TP.HCM chi tiêu yếu hơn, thì tại Hà Nội, chỉ số ổn định hơn.

Đây là quan điểm của ông Taku Tanaka, CEO và đồng sáng lập của KAMEREO, một nền tảng B2B tiên phong trong việc cung cấp thực phẩm tại Việt Nam chia sẻ tại hội thảo "Ngành F&B Việt Nam: Nội lực bền cùng tiềm năng lớn" vừa tổ chức tại.TP.HCM.

Lạc quan về tiềm năng lâu dài

Nhận định về triển vọng ngành F&B tại Việt Nam, ông Taku Tanaka tin vào tiềm năng lâu dài khi nhiều thương hiệu quốc tế hiện đang tìm cách mở rộng tại Việt Nam.

“Tôi có liên hệ với các công ty F&B lớn của Nhật Bản, và nhận thấy họ đang tìm nhiều địa điểm để mở cửa hàng. Họ đang cân nhắc mở 50, thậm chí 100 cửa hàng trong vòng mười năm tới vì họ có niềm tin lâu dài vào thị trường này”, ông Taku Tanaka nói và cho biết thêm, mặc dù một số doanh nghiệp mảng đồ uống có cồn gặp phải một số khó khăn, nhưng triển vọng cho các doanh nghiệp F&B cũng vẫn khá tích cực.

"Thị trường có những khó khăn ngắn hạn tùy thuộc vào từng địa điểm cụ thể, nhưng tôi vẫn thấy tiềm năng lớn trong dài hạn, đặc biệt là khi thu nhập của người tiêu dùng tiếp tục tăng", ông Taku Tanaka nhấn mạnh.

Chia sẻ những khó khăn mà thị trường F&B Việt Nam đang gặp phải, bà Summer Le - Nhà sáng lập & Bếp trưởng của chuỗi nhà hàng Nén cho biết, thách thức chính trong năm nay chắc chắn là nền kinh tế, đặc biệt là tại TP.HCM, nơi cơ sở khách hàng của chuỗi nhà hàng Nén, bao gồm chủ yếu là người địa phương và người nước ngoài.

“Mặc dù khủng hoảng khí hậu hiện tại là một mối quan tâm lớn, nhưng tôi đồng ý với ông Taku và chia sẻ sự lạc quan về tiềm năng lâu dài”, bà Le nói và cho biết thêm, bà vừa mở văn phòng tại Tokyo và đang tìm kiếm nhiều dự án hơn trong lĩnh vực F&B giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Bà Le cho rằng, ẩm thực Việt Nam được đánh giá cao ở nước ngoài, đặc biệt là ở Nhật Bản. Nhiều công ty Nhật Bản rất muốn mở rộng sang Việt Nam và ngược lại, thể hiện sự quan tâm qua lại.

Cần tận dụng những lợi ích của công nghệ

Chia sẻ về khả năng phục hồi của ngành dịch vụ F&B, ông Taku cho rằng, các doanh nghiệp phải đáp ứng vượt mong đợi của khách hàng. Điều này bao gồm tập trung vào dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao đồng thời quản lý hiệu quả hoạt động.

“Chúng tôi đã xác định rằng công nghệ là rất quan trọng để nâng cao sự tương tác của khách hàng và hiệu quả hoạt động”, ông Taku nói.

Theo đại diện Mastercard, tình trạng suy thoái kinh tế đã và đang mang đến các thách thức cho nhiều ngành, đặc biệt là ngành F&B. Khi buộc phải thắt chặt chi tiêu, người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên trải nghiệm hơn là vật chất. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam do đó cần cẩn trọng trong việc cân bằng giữa các chương trình ưu đãi và lợi nhuận trong bối cảnh đang phải đối mặt với những thách thức lớn, phần lớn xuất phát từ sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và quá trình số hóa ngày càng phổ biến trong lĩnh vực F&B.

Theo báo cáo của Forrester và Mastercard vào năm 2023, 65% lượng người tiêu dùng dưới 50 tuổi ưu tiên thanh toán kỹ thuật số hoặc đặt hàng và thanh toán qua di động thay vì đặt hàng trực tiếp. Tại Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023. Từ đây chúng ta có thể thấy rõ rằng tiền mặt không còn là công cụ thanh toán phổ biến nhất nữa. Do đó, các doanh nghiệp F&B cần phải thay đổi thể theo kịp xu hướng chuyển đổi sang thanh toán kỹ thuật số không dùng tiền mặt.

Ngoài ra, doanh nghiệp F&B chưa thể tận dụng những lợi ích mà cuộc cách mạng kỹ thuật số mang lại để cải thiện dịch vụ khách hàng và tối ưu hóa quy trình hoạt động. Nhiều công nghệ mới cũng đi kèm với những yêu cầu cụ thể về đảm bảo quyền riêng tư, an ninh và an toàn dữ liệu. Điều này buộc các doanh nghiệp F&B phải đầu tư thêm để đảm bảo quy trình của mình an toàn và bảo mật hơn, do người tiêu dùng hiện nay ngày càng am hiểu và quan tâm hơn đến quyền riêng tư đối với dữ liệu của bản thân.

Thị trường F&B tại Việt Nam đang chứng kiến nhiều biến động và thay đổi liên tục, tiêu biểu trong số đó là nhu cầu ngày càng cao về các công nghệ số và trải nghiệm được cá nhân hóa từ phía người tiêu dùng. Để duy trì hoạt động và nắm bắt các cơ hội trên thị trường, các doanh nghiệp F&B tại Việt Nam cần triển khai các chiến lược đa dạng nhằm cải thiện sự gắn kết của doanh nghiệp với khách hàng, đồng thời tận dụng những lợi ích của công nghệ để mang lại những trải nghiệm cá nhân hóa phù hợp với sở thích của người tiêu dùng.

Tin bài liên quan