Thuê cả thừa phát lại để lập vi bằng
Hiếm có cuộc họp nào mà ngoài thư ký cuộc họp như quy định tại Luật Doanh nghiệp, Ban Tổ chức phải thuê cả thừa phát lại để chứng kiến các vấn đề đã diễn ra như tại cuộc họp của OGC. Cụ thể, tính đến trước thời điểm bỏ phiếu biểu quyết, có 12 cổ đông rời khỏi đại hội và bàn giao phiếu đã biểu quyết cho Ban Kiểm phiếu. Các cổ đông này đã cho phiếu biểu quyết vào phong bì và ký niêm phong. Do đó, Ban Kiểm phiếu đã lập biên bản bàn giao và mời thừa phát lại lập vi bằng theo quy định.
Một điểm đáng chú ý khác là quy trình bỏ phiếu "phức tạp" của OGC. Một nguồn tin cho biết, để tránh những vấn đề phát sinh, OGC đã thực hiện một cách bỏ phiếu chưa từng có trong tiền lệ: Mỗi một vấn đề cần xin ý kiến cổ đông được bỏ phiếu riêng, thùng phiếu đồng ý riêng, thùng phiếu không đồng ý riêng và sau đó là không tán thành, không có ý kiến. Cách thức bỏ phiếu này khiến cuộc họp kéo dài, dù phần tranh luận trước đó đã khá căng thẳng.
"Từ lúc 12 giờ 28 phút ngày 20/5 đến 1 giờ 35 phút ngày 21/5/2019, các cổ đông chỉ thực hiện bỏ phiếu và chờ kết quả. Nếu loại bỏ yếu tố bất thường trong cách bỏ phiếu, thì các cổ đông có thể đã được về nhà từ đầu giờ chiều ngày 20/5, chứ không phải chờ đến gần 2 giờ sáng", vị này nói và cho biết thêm, OGC đã phải sử dụng tới... 57 thùng phiếu để thực hiện việc bỏ phiếu tại cuộc họp lần này.
Vì sao OGC phải "phức tạp hóa"?
Những nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc các nhà đầu tư đã quen với việc đi họp ĐHCĐ chắc hẳn sẽ cảm thấy cách thức làm việc của OGC có phần... ngớ ngẩn. Tuy nhiên, câu chuyện không hề đơn giản như vậy, khi mà trước đó, OGC đã phải trả giá cho cái “đúng” theo logic thông thường. Và hẳn rằng, nếu đọc những dòng dưới đây, nhiều doanh nghiệp cũng sẽ giật mình, nếu chẳng may xảy ra kiện tụng về việc vô hiệu các Nghị quyết ĐHCĐ của mình.
Năm 2018, sau cuộc họp ĐHCĐ thường niên (phải tới lần thứ 3 mới tổ chức thành công). Một cuộc họp diễn ra với toàn bộ các thủ tục giống hệt những doanh nghiệp khác. Thế nhưng, cuộc họp ấy đã bị vô hiệu khi ngày 18/10/2018, Tòa án nhân dân quận Ba Đình (TP.Hà Nội) ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Quyết định số 146/2018/QĐ-BPKCTT để Công ty tiến hành tổ chức ĐHCĐ thường niên theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán. Lý do của việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết cũ là vì… các nội dung bỏ phiếu đã được diễn ra đồng thời trên 1 phiếu lấy ý kiến cổ đông.
Cách làm trớ trêu này được thực hiện do doanh nghiệp lo ngại quy định tại Luật Doanh nghiệp được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, Khoản 5, Điều 142 về thể thức tiến hành họp và biểu quyết tại ĐHCĐ quy định: “ĐHCĐ thảo luận và biểu quyết theo từng vấn đề trong nội dung chương trình. Việc biểu quyết được tiến hành bằng cách thu thẻ biểu quyết tán thành nghị quyết, sau đó thu thẻ biểu quyết không tán thành, cuối cùng kiểm phiếu tập hợp số phiếu biểu quyết tán thành, không tán thành, không có ý kiến. Kết quả kiểm phiếu được chủ tọa công bố ngay trước khi bế mạc cuộc họp, trừ trường hợp Điều lệ có quy định khác”.
Chưa rõ, liệu sau câu chuyện của OGC, có doanh nghiệp nào phải thức "thâu đêm suốt sáng" để bỏ phiếu nữa hay không?