Người tị nạn Syria nhận hàng viện trợ tại trại tị nạn ở thị trấn Mehmediye, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Ngày 12/8, một người phát ngôn của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cho biết các dự án nhân đạo của Liên hợp quốc đang đối mặt nguy cơ thiếu hụt kinh phí kỷ lục trong năm nay khi đến nay cơ quan này mới chỉ nhận được 1/3 số tiền cần thiết (48,7 tỷ USD) để triển khai các dự án.
Khoản tiền trên được các nhà tài trợ cam kết đóng góp để hỗ trợ khoảng 204 triệu người trên khắp thế giới khi mà tình trạng xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu như cuộc xung đột ở Ukraine hay hạn hán ở vùng Sừng châu Phi đang là những nguyên nhân chính gây ra các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đe dọa sinh kế của người dân trên toàn cầu hiện nay.
Tuy nhiên, người phát ngôn OCHA Jens Laerke cho biết đã quá nửa năm nhưng quỹ trên vẫn thiếu 33,6 tỷ USD, tình trạng thiếu hụt quỹ chưa từng thấy. Trong khi đó, nhu cầu toàn cầu đang tăng nhanh hơn nhiều so với việc đóng góp của các nhà tài trợ.
Mặc dù vậy, ông Laerke cho rằng số tiền thu được 15,2 tỷ USD tính đến giữa năm nay cũng đã là một khoản thu kỷ lục trong năm mà nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tăng vọt.
Theo OCHA, Mỹ hiện là nhà tài trợ lớn nhất, đóng góp khoảng 8 tỷ USD, trong khi Chương trình Lương thực thế giới (WFP) là tổ chức được nhận nguồn kinh phí lớn nhất.
Quỹ này có thể tài trợ cho các dự án thuộc các cơ quan nhân đạo của Liên hợp quốc và một số tổ chức phi chính phủ nhưng không hỗ trợ các kế hoạch của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) cũng như Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) vì các tổ chức này có các chương trình xin tài trợ độc lập.