Xuất khẩu sang Mỹ dưới thời Donald Trump
Có quá nhiều điều đã được đề cập sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố nước Mỹ rút khỏi TPP. Không nói tới chuyện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chỉ riêng kỳ vọng tăng xuất khẩu sang Mỹ một khi TPP có hiệu lực đã khiến rất nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam, cũng như các nhà quản lý hồ hởi. Chính vậy, TPP thất bại cũng có nghĩa rằng, những kỳ vọng đó bị dập tắt.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty TNHH Bá Hải (tỉnh Phú Yên). Ảnh: Đức Thanh
Trong khi viễn cảnh hưởng lợi từ TPP mới chỉ là “bánh vẽ”, tức là những thiệt hại cũng mới chỉ là trên giấy tờ, thì nỗi lo lớn hơn đang được đặt vào một chính sách mới mà rất có thể Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện trong thời gian tới. Đó là chính sách thuế doanh nghiệp điều chỉnh biên giới (Border-Adjusted Corporate Tax), với thuế suất có thể lên tới 20%, nhằm bảo hộ mậu dịch.
Việt Nam đã liên tục có thặng dư thương mại với Mỹ trong nhiều năm gần đây. Con số của năm ngoái là 32 tỷ USD và chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, con số ước tính là 6,4 tỷ USD.
Trong một bài viết cách đây ít ngày, trang tin Bloomberg nhận định rằng, với mức thâm hụt thương mại như hiện nay, Việt Nam rất dễ bị Mỹ “nhắm” đến, một khi chính sách của chính quyền Donald Trump được thực thi.
Bloomberg cũng đã dẫn lời của các chuyên gia Santitarn Sathirathai và Michael Wan của Ngân hàng Credit Suisse (Thụy Sỹ) để dự báo rằng, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu, GDP của Việt Nam có thể giảm gần 0,9%, khiến Việt Nam nằm trong số những nước châu Á bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Ngọc Anh, Kinh tế trưởng của Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN), nếu Mỹ áp dụng chính sách thuế qua biên giới, thì những mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, như hàng dệt may, mà thị trường này không có hàng thay thế, sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng những mặt hàng có thể thay thế thì asẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.
“Đây là một điều cần được tính đến”, ông Nguyễn Ngọc Anh phân tích.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, may mặc và giày dép hiện chiếm khoảng 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Con số này với điện thoại di động và phụ kiện là 11%, còn các sản phẩm gỗ là 7%.
Chia sẻ quan điểm trên, khi công bố báo cáo về kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2017, Công ty nghiên cứu thị trường MarketIntello cũng cho rằng, mức độ ảnh hưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào khả năng thay thế của các sản phẩm trong nước và sản phẩm nhập khẩu từ nước khác.
“Ít nhất, với những hàng hóa xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, có thể dự đoán rằng, các sản phẩm như hàng dệt may và điện tử sẽ không bị thay thế ngay bởi các sản phẩm sản xuất tại Mỹ”, báo cáo của MarketIntello cho biết.
Nhưng các sản phẩm khác thì có. Rõ ràng, nguy cơ khó khăn hơn trong xuất khẩu sang Mỹ là có thật và lý do không hẳn chỉ vì TPP đã thất bại.
Cần “kế hoạch B” thay thế TPP
Đã bắt đầu có các khuyến nghị từ các chuyên gia kinh tế về việc cần thiết phải có một hiệp định thương mại tự do (FTA) khác để thay thế TPP, không phải chỉ vì riêng nỗi lo xuất khẩu sang Mỹ, mà còn vì mối lo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam nói chung sang các thị trường khác, cũng như trong thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được nhắc tới trước tiên. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Trần Toàn Thắng, Phó trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), lợi ích từ RCEP là không nhiều đối với Việt Nam, kể cả về thúc đẩy thương mại lẫn sức ép cải cách thể chế, đặc biệt nếu so với TPP.
“Do vậy, không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào RCEP”, ông Thắng nói.
Chưa kể, theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, triển vọng của RCEP cũng không mấy sáng sủa. Đã qua 17 vòng đàm phán mà các bên mới tìm được tiếng nói chung đối với 15% thỏa thuận được đặt ra. Như vậy, con đường để hoàn tất đàm phán RCEP còn quá chông gai.
“Trước đây, Trung Quốc muốn lấy RCEP làm đối trọng với TPP, nhưng bây giờ thì câu chuyện đã khác. Trong bối cảnh hợp tác trong Liên minh châu Âu (EU) còn nhiều lình xình, thì chúng ta cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào các liên kết đa phương, mà có thể, xu hướng tới đây sẽ là các thỏa thuận hợp tác song phương”, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đề xuất.
Đã bắt đầu có các khuyến nghị từ các chuyên gia kinh tế về việc cần thiết phải có một hiệp định thương mại tự do (FTA) khác để thay thế TPP.
Thậm chí, một cách cụ thể hơn, TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, nên tiến hành đàm phán lại với Mỹ về một hiệp định thương mại tự do bậc cao hơn so với Hiệp định Thương mại Việt - Mỹ (BTA). “Chỉ có như vậy, chúng ta mới hy vọng thúc đẩy xuất khẩu, thoát kiếp gia công, phát triển công nghiệp hỗ trợ… Chứ như hiện tại, ngay cả hiệp định thương mại tự do với EU thì cũng có thể vẫn là một cái ‘bẫy thương mại’ nếu như ta không thúc đẩy xuất khẩu được, mà lại chỉ là tăng nhập khẩu”, TS. Lê Xuân Sang nói.
Tuy nhiên, câu chuyện nằm ở chỗ, một FTA với Mỹ không chỉ phụ thuộc vào mong muốn ở phía Việt Nam. Quan trọng hơn, theo quan điểm của ông Trần Toàn Thắng, nước Mỹ có nhìn thấy những lợi ích mà họ có được từ FTA này hay không.
Mọi chuyện thực sự không hề dễ dàng. Con đường hội nhập của Việt Nam sẽ không hề đơn giản. Trong khi chưa có giải pháp để thay thế, thì phương cách tốt nhất là làm sao để Việt Nam tận dụng được các cơ hội do các FTA đã ký kết mang lại.