Các chuyên gia chỉ ra nhóm cổ phiếu nên quan tâm ở thời điểm hiện nay

Các chuyên gia chỉ ra nhóm cổ phiếu nên quan tâm ở thời điểm hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường đã có 4 tuần giảm liên tiếp và các chuyên gia kỳ vọng thị trường có thể xác lập vùng đáy ngắn hạn trong tuần giao dịch tới, đồng thời chỉ ra các nhóm cổ phiếu nên quan tâm ở thời điểm hiện nay.

Chỉ số VN-Index có tuần giảm thứ 4 liên tiếp khi mất 25,61 điểm trong tuần đầu tháng 10, kết tuần ở mức 1.128,54 điểm. Về ngắn hạn, theo các ông/bà, nhịp giảm sốc này của thị trường đã kết thúc chưa?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ cân bằng và hồi phục trong tuần giao dịch tới, rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu giảm và áp lực bán đã có dấu hiệu giảm đáng kể, cho nên tôi cho rằng, chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng kháng cự 1.150 - 1.160 điểm trong tuần tới. Nếu chỉ số VN-Index vượt vùng kháng cự 1.160 - 1.150 điểm thì xu hướng ngắn hạn có thể xác nhận tăng. Nhìn chung, tôi kỳ vọng thị trường có thể xác lập vùng đáy ngắn hạn trong tuần giao dịch tới.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong tuần qua, thị trường đã hạ nhiệt sau khi giảm sâu xuống sát ngưỡng 1.100. Các phiên vừa qua thị trường có sự dao động rất mạnh với mỗi phiên trên 10 điểm và tâm lý chung cũng biến động thất thường.

Dù thị trường đã mất gần 150 điểm, nhưng các tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường chưa xác nhận kết thúc xu hướng giảm vì vậy khả năng vẫn còn các nhịp điều chỉnh trong tương lai. Tuy nhiên, vùng đệm hiện tại quanh 1.100 vẫn khá chắc chắn và nếu thị trường có xuyên thủng mốc này thì khả năng cũng không rơi quá sâu.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MBS

Với tín hiệu hồi phục tích cực ở phiên cuối tuần trước, một lần nữa ngưỡng hỗ trợ MA200 lại trở thành “điểm tựa” cho thị trường. Ở mức thanh khoản hiện tại, thị trường được dự báo chưa thể tạo biến chuyển lớn nhưng sự tích cực có thể sẽ nhiều hơn như: Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đề xuất việc trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024.

Thị trường sẽ cần thêm thời gian tích lũy và kiểm định sức cung – cầu để thu hút dòng tiền nhập cuộc. Tuy vậy, dòng tiền thông minh có thể bắt đầu nhập cuộc trong tuần tới khi chỉ số VN-Index đã giảm 150 điểm (-11,98%) kể từ đỉnh và nhiều mã đã tạo mặt bằng giá mới, rủi ro cho việc mua mới hoặc cơ cấu danh mục đối với cổ phiếu đã giảm đáng kể; đồng thời thông tin kết quả kinh doanh quý III sẽ hé lộ dần.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Sau giai đoạn giảm mạnh vừa qua, rõ ràng tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng hơn rất nhiều, khiến giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên trong tuần qua giảm mạnh xuống khoảng 13.500 tỷ đồng, tương đương với giai đoạn năm 2019. Tuy vậy, dấu hiệu tích cực được ghi nhận đến từ sự sụt giảm áp lực từ việc call margin chéo khi hoạt động force sell của các CTCK đã diễn ra trong giai đoạn cuối tháng 9, khiến hàng loạt cổ phiếu giảm sàn trong hai phiên giao dịch 25 và 26/9.

Với việc mùa công bố kết quả kinh doanh quý III đang đến gần, thị trường được dự báo duy trì sự phân hóa mạnh theo triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp và dao động trong biên độ 1.110 - 1.150 điểm, với giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên đạt khoảng 14.000 - 18.000 tỷ đồng.

Tuần giao dịch tới nữa là tuần tiền đáo hạn phái sinh, việc xuất hiện nhiều biến động về xu thế tại thị trường phái sinh có ảnh hưởng như thế nào tới thị trường cơ sở?

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các đợt đáo hạn phái sinh thường vẫn có những tác động nhất định đến hoạt động giao dịch của thị trường trong phiên đáo hạn. Nhà đầu tư cũng đã lường trước các tình huống này, vì vậy cũng không quá lo lắng.

Thông thường sau phiên đáo hạn thì những phiên sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh lại ở những cổ phiếu có sự biến động giá lớn trong ngày đáo hạn. Ở đợt đáo hạn lần này khả năng thị trường cơ sở có thể ảnh hưởng mạnh hơn so với các đợt trước.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Tính đến ngày 6/10, số lượng hợp đồng OI trên thị trường phái sinh đạt gần 50.000 đơn vị, không biến động quá lớn so với giai đoạn đáo hạn của các tháng trước. Về tác động, thị trường phái sinh tất nhiên có ảnh hưởng đến thị trường cơ sở trong phiên đáo hạn, tuy vậy chênh lệch này thường được lấp đầy trong các phiên giao dịch sau đó.

Chính sách tiền tệ của Mỹ (Fed) và Việt Nam đang có khoảng cách, áp lực tỷ giá và lạm phát vẫn hiện hữu. Ông/bà đánh giá thế nào về áp lực tỷ giá với Việt Nam hiện nay, cũng như với thị trường chứng khoán? Dòng vốn nước ngoài sẽ luân chuyển như thế nào cũng như khả năng dòng vốn ngoại chảy về Mỹ, rút ra khỏi thị trường như Việt Nam khi lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên 5%?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn còn rất lớn khi chỉ số USD vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn, đặc biệt lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, hiện nay chỉ số USD đang tiến vào vùng kháng cự 107 - 108 điểm, đây là vùng kháng cự ngắn hạn, còn lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiến về mức 5% là mức đỉnh năm 2007, cho nên áp lực điều chỉnh của chỉ số USD và lợi suất trái phiếu có chiều hướng gia tăng trong ngắn hạn. Do đó, tôi kỳ vọng tỷ giá USDVND có thể sẽ hạ nhiệt trong ngắn hạn. Như vậy, tôi kỳ vọng nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm áp lực bán ròng trong ngắn hạn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Trong bối cảnh Fed vẫn duy trì lãi suất điều hành ở mức cao và có thể tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, nhiều đồng tiền trên thế giới có thể tiếp tục xu hướng mất giá so với USD như giai đoạn năm 2022 và đồng Việt Nam cũng không ngoại lệ. Với cơ chế điều hành theo tỷ giá trung tâm của Việt Nam thì tỷ giá trung tâm diễn biến trên cơ sở tham chiếu diễn biến của giỏ đồng tiền của các đối tác thương mại lớn với Việt Nam, trong đó bao gồm Trung Quốc.

Xu hướng tỷ giá có thể còn tiếp tục căng thẳng cho đến cuối năm, nhưng Việt Nam đang có những biện pháp can thiệp tỷ giá linh hoạt và ổn định thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô khá hiệu quả trong thời gian qua.

Thực tế là trong thời gian gần đây, dù tỷ giá nhiều đối tác thương mại lớn với Việt Nam và nhiều đồng tiền châu Á khác biến động mạnh, nhưng tỷ giá USD/VND vẫn tương đối ổn định. Dòng vốn nước ngoài hiện vẫn đang có dấu hiệu rút ròng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng mức độ cũng ở mức vừa phải và giao dịch chung của khối ngoại hiện nay cũng chỉ chiếm chưa tới 10% giá trị giao dịch thị trường vì vậy mức độ tác động không quá lớn.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MBS

Sau động thái phát hành tín phiếu thời gian gần đây của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá vẫn neo cao, nhưng đà tăng đã chững lại. Sau báo cáo việc làm tháng 9, các trader dự báo xác suất Fed nâng lãi suất thêm 1 đợt trong năm 2023 ở mức 45%, từ dự báo 33% trước đó, theo CME Group. Trong bối cảnh Fed và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới duy trì mức lãi suất cao, áp lực tỷ giá có thể tiếp tục lớn hơn. Tuy nhiên, với các chính sách thu hút vốn FDI, cùng với cách thức điều hành linh hoạt như hiện tại, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ được tỷ giá trong mức cho phép, đảm bảo sự cân bằng và phù hợp giữa các mục tiêu tại từng thời gian nhất định.

Đối với dòng vốn quốc tế, việc Fed giữ lãi suất "cao hơn trong thời gian dài hơn", dòng vốn sẽ tiếp tục quay lại thị trường Mỹ. Bên cạnh đó, đối với các thị trường có nhiều cổ phiếu mang tính chu kỳ trong đó có Việt Nam, trong khi dòng vốn quốc tế đang ưu chuộng lĩnh vực công nghệ hoặc trí tuệ nhân tạo… cũng có thể là nguyên nhân khiến dòng vốn từ các thị trường này quay lại Mỹ để tìm cơ hội nơi có các tập đoàn công nghệ lớn.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Bất chấp lợi suất trái phiếu Mỹ tăng lên mức 5% sau báo cáo ngày 6/10 của Bộ Lao động Mỹ, vẫn có nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ của Fed đang ở giai đoạn cuối của chu kỳ thắt chặt. Cụ thể, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu ADP, tăng trưởng việc làm tại khu vực kinh tế tư nhân của Mỹ trong tháng 9 chỉ đạt 89.000, giảm so với mức 180.000 được điều chỉnh tăng trong tháng 8 và dưới mức ước tính 160.000 của Dow Jones. Bên cạnh đó, tăng trưởng ngành dịch vụ của Mỹ cũng đã chững lại trong tháng 9 do số lượng đơn đặt hàng giảm xuống mức thấp nhất hai năm, với chỉ số dịch vụ tổng thể giảm gần 1 điểm phần trăm xuống 53.6.

Tại Việt Nam, NHNN cũng đã tăng cường phát hành tín phiếu để tránh tình trạng nguồn vốn dư thừa tại hệ thống ngân hàng chuyển sang đầu cơ tỷ giá USD/VND. Ngoài ra, việc cán cân xuất nhập khẩu ghi nhận xuất siêu 21,68 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm và nguồn kiều hối có xu hướng chảy mạnh trong giai đoạn cuối năm cho thấy NHNN vẫn có nhiều dư địa để kiểm soát ổn định tỷ giá, tránh tình trạng nguồn vốn ngoại chảy về Mỹ.

Xét về nhóm ngành, tất cả đều đang biến động trong biên độ khá hẹp với mức tăng giảm đều chưa tới 1%. Đáng chú ý, cặp đôi ngân hàng và chứng khoán đều tăng nhẹ ở phiên cuối tuần và giao dịch khá sôi động. Liệu nhóm ngân hàng, chứng khoán đã quay trở lại “trợ lực” cho thị trường?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Trong bối cảnh chi phí vốn tăng cao do tác động từ chỉ số USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ, tôi cho rằng định giá của thị trường sẽ không còn có tính hấp dẫn đồng đều giữa các nhóm cổ phiếu và định giá sẽ trở nên kém hấp dẫn nếu kinh tế không thể tăng trưởng mạnh trở lại trong thời gian tới.

Do đó, tôi cho rằng dòng tiền sẽ tìm kiếm đến các nhóm cổ phiếu tăng trưởng như chứng khoán, hóa chất, vận tải, dầu khí, bán lẻ, thủy sản, dệt may. Nhưng nhóm chứng khoán có thể sẽ kém hấp dẫn khi giá cổ phiếu đã có mức tăng trưởng mạnh từ đầu năm, còn nhóm ngân hàng sẽ khó có mức tăng trưởng mạnh khi kết quả kinh doanh vẫn chưa quá tích cực trong bối cảnh kinh tế vẫn chưa hồi phục mạnh. Nhìn chung, tôi cho rằng thị trường sẽ có “sự đổi ngôi” giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng ngắn hạn của thị trường.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Nhóm ngân hàng hiện đang nằm yên khá lâu và đây là nhóm ngành còn ở mức định giá “rẻ” so với nhiều nhóm ngành khác. Ngay cả nhóm chứng khoán cũng đã tăng 50% - 100% so với đầu năm, vì vậy với mức giá hiện tại cũng không phải là quá hấp dẫn, nhưng với tình hình giao dịch tăng trưởng và kỳ vọng kết nối hệ thống KRX cuối năm thì có thể kỳ vọng bức tranh nhóm chứng khoán sẽ còn lạc quan trong thời gian tới. Một số nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đã điều chỉnh 10% - 15% trong đợt vừa qua sẽ trở nên hấp dẫn trở lại trong mắt nhà đầu tư.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MBS

Tôi cho rằng, ở giai đoạn tích lũy hoặc khi thị trường có tín hiệu phục hồi, nhóm cổ phiếu giảm sâu hoặc đã có mức chiếu khấu hấp dẫn sẽ được dòng tiền lựa chọn trước. Hiện tại, nhóm chứng khoán đã giảm khoảng 14,3% kể từ đỉnh trong khi nhóm ngân hàng giảm bình quân 8,1% nên khả năng nhóm chứng khoán sẽ được lựa chọn trong tuần tới nhiều hơn.

Tất nhiên, trong cùng một nhóm, cũng có nhiều cổ phiếu giảm nhiều hơn so với mức trung bình, một số cổ phiếu trong nhóm ngân hàng cũng đã giảm 4 - 5 tuần liên tiếp và có mức giảm mạnh cũng sẽ có dòng tiền vào bắt đáy.

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Đối với ngành ngân hàng, căn bệnh “thừa tiền” đã bắt đầu tìm ra được lời giải khi trong vòng nửa tháng, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/09 đạt 12,749 triệu tỷ đồng – tương ứng tăng 6,92%; cải thiện đáng kể so với mức 5,56% vào ngày 15/09. Việc nguồn vốn chảy trở lại vào ngành kinh tế cũng được kỳ vọng giúp khôi phục hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp bức tranh nợ xấu của ngành ngân hàng trở nên khả quan hơn trong giai đoạn cuối năm 2023.

Đối với ngành chứng khoán, kết quả kinh doanh quý III được dự báo khả quan nhờ mức nền thấp cùng kỳ và hoạt động tự doanh dự báo tăng trưởng mạnh khi nhiều cổ phiếu ghi nhận mức tăng tốt trong kỳ. Tuy vậy, với việc giới đầu tư đang dần trở nên thận trọng hơn sau đợt giảm mạnh vào cuối tháng 9, hiện tượng giá trị giao dịch trung bình mỗi phiên sụt giảm mạnh dưới mốc 20.000 tỷ đồng dự kiến tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng đến kết quả hoạt động mảng môi giới.

Nếu chọn để giải ngân, đâu là nhóm cổ phiếu nên quan tâm ở thời điểm hiện nay, theo ông?

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam

Như tôi đã chia sẻ, tôi ưa thích nhóm cổ phiếu hóa chất, công nghệ, dầu khí, bán lẻ và vận tải.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Hai nhóm ngành vừa nhắc trên là ngân hàng và chứng khoán vẫn là hai nhóm ngành lưu tâm đặc biệt giai đoạn hiện tại. Nhóm ngân hàng dù chưa có nhiều thông tin tích cực về hoạt động nhưng câu chuyện tăng vốn thời gian tới nhiều ngân hàng cũng gây sự chú ý. Bên cạnh đó, một số nhóm ngành đang có sự hồi phục và tăng trưởng khá trong năm nay như phân bón, hóa chất, thép cũng cần lưu ý trong thời gian tới.

Ông Ngô Quốc Hưng, Chuyên viên Phòng nghiên cứu khách hàng cá nhân, CTCK MBS

Chiến lược đầu tư cho việc xây dựng danh mục đón mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III sắp tới, nhà đầu tư nên tập trung ở 2 nhóm cổ phiếu chính: 1) Nhóm cổ phiếu đã giảm sâu trong nhịp điều chỉnh vừa qua như: chứng khoán, bất động sản, đầu tư công… và 2) nhóm cổ phiếu được kỳ vọng sẽ hưởng lợi khi nền kinh tế đã qua đáy như: xuất khẩu (thủy sản, dệt may, cảng biển…), hàng hóa cơ bản (dầu khí, hóa chất, đường…), bán lẻ, bất động sản khu công nghiệp…

Ông Lâm Gia Khang, Phụ trách chiến lược thị trường Chứng khoán VietinBank (CTS)

Nhóm cổ phiếu có nhiều kỳ vọng dẫn sóng nhất vẫn là nhóm đầu tư công. Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng đầu năm đạt trên 363.000 tỷ đồng, đạt khoảng 51,38% kế hoạch năm. Với việc hoạt động đầu tư công thường có xu hướng được đẩy mạnh vào giai đoạn cuối năm, con số trên được kỳ vọng đạt khoảng 80% vào cuối năm 2023, giúp duy trì đà tăng trưởng cho các doanh nghiệp thuộc nhóm xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng (đá, xi măng, thép, nhựa đường).

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể tham gia vào nhóm các cổ phiếu xuất khẩu có cơ cấu doanh thu tập trung mạnh vào thị trường Mỹ. Theo số liệu công bố bởi Bộ Tài chính Mỹ, doanh thu bán lẻ tại nước này vẫn ghi nhận tăng 0,6% so với cùng kỳ (cao hơn dự báo) cho thấy nhu cầu tiêu thụ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao.

Cuối cùng, nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp cũng được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền trong thời gian tới. Điều này đến từ kỳ vọng dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam, nhất là khi Việt Nam và Mỹ vừa chính thức nâng tầm mối quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công cũng giúp đẩy nhanh làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam vốn đã hình thành từ năm 2019.

Tin bài liên quan