Ông Phạm Mạnh Thường
Vinalines cho rằng, bán nợ cho DATC là giải pháp khả dĩ nhất để các ngân hàng thu được tiền và DN này cơ cấu được nợ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Việc bán nợ cho DATC là một trong nhiều giải pháp để tái cơ cấu Vinalines theo chủ trương của Chính phủ. Trong đó, theo đánh giá của nhiều bên, nếu ngân hàng muốn thu được tiền ngay thì giải pháp đàm phán bán nợ cho DATC là khả thi hơn cả. Bởi ngành vận tải biển chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi, tình thế nội tại Vinalines cũng rất khó khăn nên nguồn tiền hiện tại để trả nợ không có, nguồn thu dự kiến trong tương lai gần cũng rất khó. Nếu ngân hàng không bán nợ, không có cơ chế xử lý nợ thì Vinalines sẽ “chết chìm”, kéo các ngân hàng chủ nợ “chìm” theo.
Việc chuyển nợ của Vinalines thành vốn góp tại các công ty thành viên theo mong muốn của các ngân hàng liệu có khả thi, thưa ông?
Thứ nhất, ngân hàng là một định chế tài chính với chức năng chính là huy động vốn và cho vay, dẫn vốn tới các địa chỉ trong nền kinh tế. Còn việc góp vốn vào các DN cực chẳng đã mới phải làm, vì thứ nhất, đây là đầu tư ngoài ngành. Thứ hai, đã góp vốn thì phải tham gia quản trị DN, trong khi quản trị DN sản xuất - kinh doanh rất khác quản trị hoạt động ngân hàng. Thứ ba, nếu ngân hàng làm ở quy mô phổ biến thì không đủ nguồn nhân lực để đi theo.
Đó là chưa nói đến việc các công ty thành viên không có mối liên hệ chặt chẽ để họ phải nhận lại khoản nợ của Công ty mẹ Vinalines. Vì vậy, hãy để việc này thông qua những tổ chức xử lý nợ trung gian.
Liệu DATC có tính tới việc phát hành trái phiếu để mua nợ như một số trường hợp trước đó?
Từ phương diện DATC, rút kinh nghiệm các trường hợp trước, việc phát hành trái phiếu làm tăng nợ công, thoát ly khỏi yếu tố thị trường và đẩy gánh nặng nợ về tương lai. Khi Vinalines luôn phải gánh một gánh nặng nợ trên đầu thì thật khó cho họ. Vì vậy, theo tôi, không nên tính tới phương án này.
Theo ông, việc Vinalines đề xuất IPO một số cảng biển lấy thặng dư vốn chuyển cho DATC để lấy nguồn tài chính mua nợ liệu có khả thi?
Chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào tiềm lực của DATC với một số nợ rất lớn của Vinalines, mà nếu mua nợ của ngân hàng thì cũng không thể mua chịu. Không chỉ Vinalines, mà các đơn vị có số nợ lớn nên tính đến nguồn để hợp tác với DATC trong việc xử lý nợ. Vinalines cũng không chỉ có nguồn từ IPO, mà còn từ bán tài sản cũ, thoái vốn…
Đây là bước đi khả dĩ nhất để xử lý rốt ráo nợ, tất nhiên, phương án này cần sự đồng ý từ Chính phủ. Nhưng theo tôi, đây là một hướng đi không chỉ riêng cho Vinalines. Nếu được thí điểm tại Vinalines tương đối ổn, có thể đề xuất Chính phủ cho phép nhân rộng mô hình này.
Hiện nay, việc xử lý nợ của Vinalines đến đâu, DATC đã đàm phán với những ngân hàng nào để mua nợ của tổng công ty này và kết quả ra sao, thưa ông?
DATC đã gặp gỡ nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để đàm phán hướng mua bán, xử lý nợ. Một số tổ chức đã có thỏa thuận sơ bộ, đã chào giá mua. Về cơ bản, các ngân hàng đều hoan nghênh, cam kết sẽ đàm phán với DATC và Vinalines để thỏa thuận mua bán nợ. Đến nay, đã có ngân hàng chốt được phương án mua bán nợ. Tuy nhiên, tôi xin phép không thông tin về địa chỉ cụ thể.
Tới đây, DATC sẽ tiếp tục nỗ lực đàm phán với các tổ chức tín dụng. Ở đây, cũng phải nói rõ là các ngân hàng nên thực tế, nhìn vào thực trạng của Vinalines để xác định hiện trạng khoản nợ của mình, xác định mức bán nợ sao cho hợp lý để các bên có thể ngồi lại với nhau. Nếu đòi mức giá cao quá thì vừa mất thời gian đàm phán, vừa khó tìm tiếng nói chung.
Cũng xin nói thêm là, trong vấn đề này, chúng ta nên nhìn một hướng lớn hơn, bởi cơ cấu Vinalines là chương trình của Chính phủ, nằm trong Chiến lược kinh tế biển. Tất cả các bên có liên quan, trực tiếp là Vinalines và các tổ chức tín dụng, rồi bên thứ ba như DATC và các đối tác khác đều cần xác định tư tưởng sẵn lòng chia sẻ khó khăn, thậm chí phần nào thiệt thòi để đạt được mục tiêu chung, lớn hơn là vực dậy một DN đầu ngành hàng hải.