Theo ông, việc áp trần 15%/năm đối với lãi suất cho vay ở 4 nhóm khách hàng theo quy định tại Thông tư 14/2012/TT-NHNN vừa được ban hành đã tạo được điều kiện cho khối DNVVN trong việc tiếp cận vốn vay để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh?
Trước bối cảnh thị trường còn có những khó khăn nhất định, hoạt động của không ít DN, nhất là các DNVVN đang đứng trước bờ vực phá sản. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm vẫn trong tình trạng âm và thanh khoản của ngân hàng đã được cải thiện đáng kể. Vốn khả dụng bắt đầu dôi dư ở các nhà băng lớn, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm dần trong thời gian gần đây thì việc áp trần lãi suất cho vay 15%/năm là phù hợp.
Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay này chỉ áp dụng cho 4 đối tượng khách hàng và nhà băng cũng có sự chọn lọc khá kỹ, chỉ tìm kiếm được DN tốt mới trao vốn. Điều đó cũng có nghĩa, chỉ những DNVVN đáp ứng được các điều kiện tín dụng của ngân hàng mới có thể vay được vốn lãi suất 15%/năm, chứ không phải DN nào cũng được sử dụng vốn rẻ nói trên.
Vì thế, việc áp trần lãi suất cho vay, theo tôi, đã đáp ứng được phần nào kỳ vọng của DNVVN, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn vay duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Nhưng trần lãi suất cho vay chỉ dành cho 4 đối tượng khách hàng và điều kiện cho vay cụ thể ra sao, như thế nào… sẽ được ngân hàng tự đưa ra tiêu chí. Điều này dẫn đến, các DN sẽ khó khăn hơn khi muốn vay vốn giá rẻ để tiết giảm chi phí trong hoạt động. Do đó, cần có tiêu chí hướng dẫn cụ thể và NHNN phải kiểm soát.
Có nghĩa là lãi suất cần giảm thêm mới phù hợp để DN có thể sử dụng vốn vay trước diễn biến thị trường còn nhiều khó khăn của năm nay, thưa ông?
Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,7%/năm và mức lãi suất 15%/năm đã là rất tốt đối với DN, nhưng theo tôi, cần phải tiếp tục hạ xuống. Vì thực tế, lãi suất chính là rào cản lớn đối với các DNVVN trong quá trình tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay.
Để hỗ trợ các DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay, theo tôi, cần xem xét giảm tiếp trần lãi suất huy động vốn, điều kiện cần để giảm lãi suất cho vay. Lúc này, các DNVVN mới tính đến việc sử dụng vốn vay để khôi phục hoạt động cũng như mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Còn về lâu dài, cần bỏ trần lãi suất, tự do hóa lãi suất. Cần cứu sản xuất để hạn chế tình trạng phá sản của DN, tạo thêm cơ hội cho DN trụ lại và vượt qua giai đoạn khó khăn, tìm ra nhân tố phát triển.
DNVVN đang ở thời điểm khó khăn nhất. Khi lãi suất giảm, không chỉ DN có cơ hội vay vốn và nhu cầu vốn của khách hàng tăng lên, trong đó, có cả tín dụng cá nhân… Lúc này mới có điều kiện để đẩy mạnh sức mua thị trường.
Nếu lãi suất không điều chỉnh giảm thêm, các ngân hàng sẽ khó có thể giải ngân được vốn
Thực tế, lãi suất giảm chưa hẳn DN tiếp cận được vốn giá rẻ bởi ngân hàng cho rằng, DN nhỏ thường khó đáp ứng được điều kiện tín dụng?
Theo tôi, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành 17% trong năm nay, nếu với đà tăng trưởng dư nợ trong 4 tháng qua thì chưa hẳn đã đạt được. Đáng chú ý là sức mua của thị trường đang giảm, nhu cầu vốn của DN không cao, do áp lực lãi suất vẫn là rào cản đối với họ trong việc tiếp cận vốn. Do đó, điều cần làm hiện nay là các ngân hàng nên mở hết “room” tăng trưởng tín dụng để các DN có thể vay được vốn nhiều hơn.
Bởi thực tế, các DNVVN khó tiếp cận được vốn vay là do tăng trưởng tín dụng bị hạn chế trong những năm gần đây. Hiện tín dụng đã giảm gần 3 lần so với cùng kỳ trước và năm nay dư nợ tín dụng chỉ được tăng trưởng ở mức tối đa 17%.
Bên cạnh đó, thanh khoản của các ngân hàng trong hệ thống cũng không đồng đều. Ngân hàng lớn thừa vốn không dám hạ lãi suất để cho vay ra, vì sợ nhà băng nhỏ thiếu thanh khoản hút khách hàng tiết kiệm. Trong khi đó, nhà băng nhỏ khó giảm lãi suất và phải kiểm soát tín dụng ở mức thấp dẫn đến, áp lực lãi suất cao chính là rào cản với DNVVN.
Tất nhiên là với DNVVN cũng có những hạn chế của nó và không phải DN nào cũng có đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí cho vay của ngân hàng. Nhưng trong bối cảnh thị trường khó khăn, áp lực lãi suất còn cao, DN cũng không mặn mà với việc sử dụng vốn vay nếu khả năng sinh lời của dự án thấp hơn lãi vay ngân hàng.
Từ hiện trạng lãi suất hiện nay và nhìn về cách điều hành lãi suất trong thời gian qua, cần có cơ chế lãi suất như thế nào thì hợp lý đối với thị trường, thưa ông?
Theo tôi, việc duy trì trần lãi suất huy động hiện nay chỉ là biện pháp hành chính tạm thời và sau khi NHNN có biện pháp giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng yếu kém bằng phương pháp sáp nhập, hợp nhất thì trần lãi suất huy động sẽ sớm được gỡ bỏ.
Để làm được việc này, cần chọn thời điểm thích hợp, nhằm ổn định lãi suất. Hiện thanh khoản của nhiều ngân hàng đã được cải thiện so với trước, nhưng còn một số nhà băng thanh khoản vẫn yếu kém nên NHNN đang từng bước giải quyết vấn đề này. Nợ xấu cũng là vấn đề đang NHNN quan tâm xử lý.
Sau khi giải quyết được các vấn đề về thanh khoản cũng như xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng thì trần lãi suất chắc chắn sẽ không còn cần thiết phải duy trì.
Xin cho biết dự báo của ông về xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm 2012?
Có thể đến đầu quý III tới lãi suất cho vay sẽ giảm sâu hơn so với hiện nay về mức 14 - 16%/năm và lãi suất huy động còn khoảng 11%/năm. Theo tôi, khả năng trần lãi suất sẽ tiếp tục được điều chỉnh, vì lạm phát đang trong chiều hướng đi xuống thì không lý do gì phải duy trì trần lãi suất ở mức cao.
Mặt khác, nếu lãi suất không điều chỉnh giảm thêm, các ngân hàng sẽ khó có thể giải ngân được vốn. Vì thực tế hiện nay, các DN không muốn vay vốn, do khả năng sinh lời từ các dự án sản xuất, kinh doanh khó có thể đủ bù được chi phí trong hoạt động cũng như trả lãi vay ngân hàng.
Do đó, tôi cho rằng, xu hướng lãi suất sẽ được điều chỉnh dần về cuối năm và dư nợ tín dụng cũng dần được cải thiện. Lúc này sức mua thị trường mới có thể tăng.