Các bị can trong vụ Công ty Alibaba “rửa tiền” như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba mà Tòa án nhân dân TP. HCM sắp đưa ra xét xử tới đây, có 3 bị can bị truy tố về hành vi rửa tiền.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) TP. HCM đã hoàn tất cáo trạng truy tố 23 bị can trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền xảy ra tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (Công ty Alibaba).

Trong vụ án này, có 3 bị can bị truy tố tội rửa tiền. Đó là bị can Võ Thị Thanh Mai (vợ Nguyễn Thái Luyện, giữ 49,5% cổ phần Công ty Alibaba), bị can Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) và bị can Huỳnh Thị Kim Thắng (Kế toán trưởng Công ty Alibaba).

Cáo trạng của Viện KSND TP.HCM xác định, Nguyễn Thái Lực có 4 tài khoản cá nhân tại các Ngân hàng Seabank, Vietcombank, HD Bank và ACB.

Trong đó, có 2 tài khoản không sử dụng từ 8/2018; 2 tài khoản còn lại là 1 tài khoản được sử dụng để trả lương hàng tháng cho Lực; 1 tài khoản thương gia để nhận tiền từ Võ Thị Thanh Mai chuyển đến, sau đó đi rút tiền mặt rồi giao lại cho Mai.

Bị can Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) tại cơ quan cảnh sát điều tra

Bị can Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) tại cơ quan cảnh sát điều tra

Ngày 21/11/2018, Võ Thị Thanh Mai chỉ đạo Nguyễn Thái Lĩnh (em trai Luyện) nộp 50 tỷ đồng vào tài khoản số 179797988 của Lực, sau đó chỉ đạo Lực rút, mở sổ tiết kiệm với kỳ hạn 6 tháng tại Ngân hàng ACB - PGD Bình Triệu. Nguồn gốc 50 tỷ đồng đều là tiền khách hàng thanh toán tiền mua nền đất tại Công ty Alibaba.

Sau đó, theo chỉ đạo của Mai, Lực rút 31 tỷ đồng, mở sổ tiết kiệm cho Huỳnh Thị Kim Thắng đứng tên, tại Ngân hàng ACB. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Mai, Thắng rút số tiền 18 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm, mua hai căn nhà tại địa chỉ 96A, 96B, Khu phố 6, phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Còn lại 13 tỷ đồng vẫn giữ trong sổ tiết kiệm.

Được biết, 2 căn nhà này đều do Nguyễn Thái Lực đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Ngày 18/9/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra tổ chức thi hành Lệnh bắt và khám xét toàn bộ trụ sở Công ty Alibaba và các chi nhánh Công ty Alibaba. Lúc này, Mai và Thắng có chứng kiến, Lực đến trụ sở Công ty nhưng không vào chỉ đứng ngoài cửa.

Cả ba đối tượng biết rõ số tiền 13 tỷ đồng còn lại trong sổ tiết kiệm nêu trên có nguồn gốc bất hợp pháp. Tuy nhiên, ngay hôm sau (tức ngày 19/9/2019), Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi hơn 13,9 tỷ đồng vào tài khoản của Mai. Sau đó, Mai lại chuyển 13 tỷ đồng vào tài khoản của Lực rồi chỉ đạo rút ra và giao lại cho Mai.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (ở giữa) được cho tại ngoại vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Bị can Võ Thị Thanh Mai (ở giữa) được cho tại ngoại vì đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Ngày 20/9/2019, Lực dùng xe ô tô đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền 13 tỷ (đựng trong 2 bao và 1 túi xách) đưa về trụ sở Công ty Alibaba. Đến nơi, Lực nhờ người phụ giúp cùng mang tiền giao cho Mai, việc giao nhận không có ai chứng kiến, không có giấy tờ giao nhận.

Liên quan đến số tiền 13 tỷ đồng nêu trên, Mai khai đã sử dụng hết vào việc cá nhân và trả tiền vay bên ngoài. Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa thu hồi được.

Tại Cơ quan điều tra, lời khai của Huỳnh Thị Kim Thắng phù hợp với Nguyễn Thái Lực về số tiền nêu trên. Ngoài ra, Thắng còn khai nhận thêm việc đứng giúp Mai 1 sổ tiết kiệm 20 tỷ tại Vietcombank, Cơ quan Điều tra đã thu hồi Sổ tiết kiệm này.

Đồng thời, các bị can đều thừa nhận là biết rõ số tiền 13,9 tỷ đồng nêu trên là tiền thu của khách hàng, do Luyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà có nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của Mai nhằm che giấu nguồn gốc số tiền.

Hành vi của các bị can đã phạm vào tội Rửa tiền theo quy định tại điều 324 Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa sơ thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 12/8 đến 12/10, với “nhiều kỷ lục" như: hồ sơ có khoảng 500.000 bút lục - có thể chất đầy hơn 2 xe tải; gần 6.000 người tham gia tố tụng (hơn 4.360 bị hại và khoảng 1.500 người có quyền, nghĩa vụ liên quan)...

Điều 324. Tội Rửa tiền

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che dấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết do người khác phạm tội mà có;

...

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên

...

Nguồn: Bộ luật Hình sự

Tin bài liên quan