Một số đại biểu dự họp cho biết, Nga đã ủng hộ hoàn toàn kế hoạch này và thỏa thuận dẫn tới mức tăng sản lượng nêu trên đã kết thúc chỉ sau 11 phút trao đổi giữa các bên.
Phản ứng trước quyết định này, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, chính quyền Mỹ hoan nghênh quyết định của OPEC+.
"Chúng tôi ghi nhận vai trò của Ả Rập Xê Út với tư cách là chủ tịch của OPEC+ và nhà sản xuất lớn nhất trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các thành viên nhóm", bà Karine Jean-Pierre nói và thêm rằng, Mỹ sẽ tiếp tục sử dụng toàn bộ ảnh hưởng của mình để giải quyết áp lực về giá năng lượng.
Tuy vậy, giới quan sát và các bên liên quan đều có chung nhận định, mức tăng sản lượng khai thác nói trên chỉ như muối bỏ bể và không thể làm dịu đi những quan ngại về giá dầu trong bối cảnh nguồn cung vẫn bị thắt chặt như hiện nay.
Theo nhà phân tích Jeffrey Halley của Công ty Oanda, động thái mới nhất của OPEC+ thực sự "đã gây thất vọng lớn cho các nước nhập khẩu dầu mỏ".
Còn Giovanni Staunovo, nhà chiến lược tại UBS Group AG thì tỏ ra hoài nghi: "Liệu mức tăng mà OPEC+ vừa nâng lên có thực sự tương ứng với số lượng thùng dầu thực tế sẽ được bơm vào thị trường dầu mỏ hay không?". Ông ước tính có thể số lượng thùng dầu được sản xuất và đưa vào giao dịch trên thực tế “chỉ đạt khoảng một nửa mục tiêu đề ra”.
Về phía Ả Rập Xê Út, đây có thể được xem như một động thái chuẩn bị trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ryadh dự kiến vào cuối tháng 6.
"Chúng ta có thể kỳ vọng sản lượng khai thác sẽ được nâng thêm từ tháng 9 trở đi”, ông Amrita Sen, đồng sáng lập và Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects Ltd. nhận định và cho rằng, “OPEC +, và đặc biệt là Ả Rập Xê Út, muốn tiếp tục hợp tác với các thành viên về vấn đề này”.
Động thái của OPEC+ cho thấy có vẻ như áp lực chính trị từ Nhà Trắng đang tỏ ra hiệu quả. Theo tờ New York Times, Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ có chuyến thăm Ả Rập Xê Út và gặp gỡ Thái tử Mohammed bin Salman (MBS). Trước đó, Mỹ đã đổ lỗi cho Thái tử Ả Rập Xê Út về vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018. Tuy nhiên, việc giá khí đốt tăng cao kỷ lục đang gia tăng áp lực đối với Chính quyền Tổng thống Biden, từ đó buộc Tổng thống Mỹ tiến hành động thái làm dịu quan hệ song phương của nước này với Ả Rập Xê Út.
Trên thực tế, sau quyết định tăng sản lượng của OPEC+, giá dầu thô Mỹ đã tăng 1,9% lên mức 117,45 USD/thùng trong phiên giao dịch hôm 2/6 (giờ Mỹ). Cùng ngày, giá dầu Brent cũng tăng 1,5% lên 118 USD/thùng.
Hiện chưa có bình luận nào từ các quan chức của cả Ả Rập Xê Út và UAE về động thái mới nhất của OPEC+.