Christian Miller, nhà quay phim của tổ chức bảo tồn Ocean Alliance, ghi lại khoảnh khắc chiếc drone nghiên cứu có tên SnotBot của anh bay qua một con cá voi xanh ở bang Baja California, Mexico và bị nó phun nước trúng.
SnotBot trang bị đĩa cạn giúp thu thập mẫu vật từ lỗ phun nước của cá voi để các nhà khoa học phân tích và tìm hiểu nhiều hơn về cách sống cũng như môi trường xung quanh loài vật này.
Theo Miller, lỗ phun nước của cá voi không chứa đầy nước mà bao gồm hỗn hợp khí nóng, vi khuẩn, hơi ẩm. Qua lỗ phun, giới nghiên cứu có thể lấy mẫu ADN, hormone stress, hormone sinh sản, hệ vi sinh của cá voi theo cách an toàn và không xâm lấn.
Cá voi xanh là động vật có vú lớn nhất thế giới và thuộc danh mục nguy cấp. Chúng có thể đạt chiều dài 30 m và nặng hơn 170 tấn.
Thức ăn của cá voi xanh chủ yếu là những loài giáp xác, nhuyễn thể nhỏ xíu, vì thế, muốn lấp đầy dạ dày, chúng chỉ có cách ăn thật nhiều. Theo ước tính của các nhà khoa học, một con cá voi xanh nuốt đến 3 tấn nhuyễn thể một ngày.