Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị Chính phủ tăng đàm phán xuất khẩu đường chính ngạch, kiểm tra bắt buộc Chứng thư Chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi xuất khẩu với thủy sản, tăng cường kiểm tra điều kiện sản xuất của các cơ sở gia công, sơ chế thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc…
Đề nghị của VASEP được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu thủy sản hồi phục, đặc biệt là xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tăng mạnh, nhiều thương lái Trung Quốc vào tận cơ sở để thu mua, bất kể chất lượng, phẩm cấp để xuất khẩu qua biên giới.
Một khi người nuôi dễ dãi, gia công, chế biến sơ sài, không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, thì rủi ro cho toàn ngành sẽ rất lớn. Với cá tra, đây là vấn đề rất nhạy cảm, bởi Việt Nam đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh và chất lượng sản phẩm này.
Trên thực tế, rủi ro với người nuôi là không hề nhỏ, bởi theo cảnh báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, không như lời cam kết của thương lái, thực chất Trung Quốc cũng đang siết chặt chất lượng và nguồn gốc nông sản nhập khẩu.
Không thể phủ nhận, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản quan trọng bậc nhất của Việt Nam, nhưng, quan niệm đây là thị trường dễ dãi không chỉ khiến chúng ta có nguy cơ đánh mất thị trường, mà nghiêm trọng hơn, thói quen dễ dãi với thị trường, với chất lượng sản phẩm... hình thành đối với một bộ phận người nuôi trồng, chế biến nông sản sẽ khiến uy tín, thương hiệu của cả ngành bị tổn hại.
Câu chuyện cà phê trộn pin, cá tra cục nước đá, tôm cắm tăm dừa, chè bẩn… có thể là hy hữu, nhưng lại có khả năng phá hỏng cả ngành hàng, nhất là khi những sự cố này bị các nước đối thủ cạnh tranh lợi dụng.
Rõ ràng, để thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam, trước hết, các cơ quan chức năng phải làm tròn trách nhiệm của mình, tăng cường kiểm tra giám sát.
Nhiều khi sự cố xảy ra, mới phát hiện quá nhiều kẽ hở trong quản lý. Việc chưa có quy chuẩn về sản phẩm cà phê rang xay là một thí dụ.
Ở bình diện khác, người nông dân, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản cũng phải ý thức sâu sắc rằng, nếu thói quen “ăn xổi” bén rễ, thì họ sẽ mãi bị phụ thuộc vào thị trường dễ dãi, khó bước chân ra các thị trường xuất khẩu khó tính hơn như EU, Nhật Bản, Mỹ…
Ngoài ra, để xóa ấn tượng về nông sản Việt Nam thiếu chuyên nghiệp, kém chất lượng, doanh nghiệp cần kiên quyết không thu mua những sản phẩm kém chất lượng. Khi đó, người dân sẽ không sản xuất nữa.
Trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… sớm có hiệu lực, cơ hội mở ra là rất lớn, nhưng cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt.
Do vậy, ứng xử như thế nào trong sân chơi chung để vừa tận dụng tối đa các ưu đãi của FTA, vừa bảo vệ thị trường nội địa không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng. Không chỉ cơ quan chức năng, mà cả nông dân và doanh nghiệp cần phải ý thức sâu sắc hơn vấn đề này.