Cả nước hiện có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cả nước hiện có 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cả nước còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

0:00 / 0:00
0:00
So với 210 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của 2 tháng trước, số liệu Bộ Công thương vừa công bố, tính đến 18/10, cả nước chỉ còn 170 thương nhân.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa công bố danh sách thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo danh sách này, tính đến 18/10, cả nước chỉ còn 170 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, giảm mạnh so với con số 210 thương nhân được Cục Xuất nhập khẩu công bố 2 tháng trước.

TP.HCM là địa phương có nhiều thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo nhất với 37 thương nhân, tiếp theo là TP. Cần Thơ với 35 thương nhân; Long An với 22 thương nhân; An Giang với 16 thương nhân, Đồng Tháp có 16 thương nhân, Hà Nội 10.

Một số địa phương như Hà Tĩnh, Thái Bình, Hậu Giang, Khánh Hòa, Nam Định, Vĩnh Long chỉ có duy nhất 1 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo.

Gạo là một trong những nhóm hàng nông sản tận dụng được cơ hội mở cửa thị trường và giá tăng cao để đẩy mạnh xuất khẩu nên tốc độ tăng trưởng đạt cao trong 9 tháng qua.

Từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất khẩu 6,6 triệu tấn gạo, trị giá 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt trị giá của cả năm ngoái (3,45 tỷ USD) và là kết quả xuất khẩu cao nhất trong 10 năm.

Giá xuất khẩu trung bình 9 tháng qua đạt 551,5 USD/tấn, tăng 13,7%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 38% trong tổng lượng và chiếm 36,5% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu, với trên 2,44 triệu tấn, tương đương 1,29 tỷ USD, giảm 1,1% về lượng, tăng 12,8% về trị giá so với cùng kỳ.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 13,3% trong tổng lượng và chiếm 14% trong tổng kim ngạch, đạt 858.848 tấn, tương đương 495,78 triệu USD, tăng mạnh 37,2% về lượng và tăng 55,2%về trị giá.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 884.177 tấn, tương đương 462,61 triệu USD, tăng mạnh 1.667% về lượng, tăng 1.794% về trị giá.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,64 triệu tấn, tương đương 2,49 tỷ USD, tăng 29,7% về lượng, tăng 46,9% về trị giá.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 - 8 triệu tấn gạo trong năm 2023.

Diễn biến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã nóng lên từ nửa cuối tháng 7, do Ấn Độ và Nga, UAE ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Ngành sản xuất lúa gạo trong nước tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm sản lượng, tăng chất lượng, với các chủng loại gạo cao cấp, gạo thơm, tập trung vào các yêu cầu cao của thị trường thế giới, như sản xuất xanh, giảm phát thải, giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ…

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

Tin bài liên quan