Cá nhân ngồi nhà vẫn được hỗ trợ quyết toán thuế

0:00 / 0:00
0:00
Hôm nay, 16/3/2021, từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, Tổng cục Thuế hỗ trợ trực tuyến về quyết toán TNCN trên website của Tổng cục.
Ngày 16/3/2021, từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, Tổng cục Thuế hỗ trợ trực tuyến về quyết toán TNCN tại địa chỉ: www.gdt.gov.vn.

Ngày 16/3/2021, từ 13 giờ 30 đến 17 giờ, Tổng cục Thuế hỗ trợ trực tuyến về quyết toán TNCN tại địa chỉ: www.gdt.gov.vn.

Tính giảm trừ cảnh theo mức mới từ 1/1/2020

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ, Tổng cục Thuế hy vọng, thông qua hỗ trợ trực tuyến, cơ quan thuế sẽ giải đáp được những vướng mắc của người nộp thuế liên quan đến chính sách thuế TNCN, cũng như thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Việc hỗ trợ trực tuyến không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, hạn chế việc tập trung đông người, tránh lây lan dịch bệnh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, mà còn tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại không cần thiết cho người nộp thuế”, bà Hà nhấn mạnh.

Theo bà Hà, Nghị quyết 954/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh hàng tháng cho người nộp thuế tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng, giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng được tính giảm trừ từ ngày 1/1/2020, chứ không phải tính theo thời điểm ban hành Nghị quyết 954/2020 (ngày 2/6/2020) hay ngày có hiệu lực của Luật Quản lý thuế năm 2019 là 1/7/2020.

Bà Hà cho biết, thực hiện Luật Quản lý thuế năm 2019, kể từ năm 2021, việc quyết toán thuế có nhiều điểm mới.

“Ngoài việc nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cả người nộp thuế và người phục thuộc; kéo dài thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đến 30/4 đối với cá nhân trực tiếp quyết toán thuế, thay vì ngày 31/3 như từ trước đến nay (hạn cuối cùng nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với tổ chức chi trả thu nhập vẫn là ngày 31/3), Luật Quản lý thuế đã quy định cụ thể các trường hợp phải thực hiện quyết toán thuế TNCN gồm, cá nhân có số thuế phải nộp thêm trên 50.000 đồng; có số thuế nộp thừa và có đề nghị hoàn thuế (nếu không đề nghị hoàn thuế đã nộp thừa thì không phải quyết toán thuế). Trường hợp đủ điều kiện được ủy quyền thì cá nhân có thể ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán TNCN”, bà Hà cho biết.

“Có 3 trường hợp được ủy quyền quyết toán thuế TTCN, gồm cá nhân có thu nhập duy nhất một nơi theo hợp đồng lao động; có thu nhập một nơi theo hợp đồng lao động, đồng thời có thu nhập vãng lai tại các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng và đã được khấu trừ thuế TNCN theo tỷ lệ 10%. Và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ sáp nhập, hợp nhất, chia tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng hệ thống thì cá nhân được ủy quyền cho tổ chức mới quyết toán thay”, bà Hà nói thêm.

Không được bù trừ, người nộp thuế bị bất lợi

“Việc miễn thuế TNCN có số thuế phát sinh phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống, tưởng như không có vấn đề gì đáng quan tâm, nhưng lại có ý nghĩa thực tiễn rất lớn. Bởi nều không cho miễn thuế thì số tiền thuế TNCN dăm, ba chục ngàn còn nợ sẽ được tính tiền chậm nộp 0,03%/ngày - số rất nhỏ kể cả nợ thuế 4-5 năm, nhưng người nộp thuế vẫn mang tiếng nợ ngân sách nhà nước, trong khi cơ quan thuế phải bỏ thời gian, công sức, nhân lực để quản lý nợ, gây lãng phí cho xã hội”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) đánh giá rất cao việc miễn thuế TNCN trong trường hợp cá nhân có số thuế phải nộp dưới 50.000 đồng.

Theo bà Cúc, thực hiện Luật Quản lý thuế 2019, quy định về khai thuế TNCN, thuế và các khoản thu khác của hộ kinh doanh, cá nhân cho thuê tài sản có nhiều nội dung thay đổi rất quan trọng nên tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần phải nghiên cứu rất kỹ để không vi phạm hành chính thuế.

Cụ thể là sửa đổi quy định tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế TNCN theo tháng, quý vẫn phải khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân. Theo đó, cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; cá nhân là cổ đông hiện hữu nhận thưởng bằng chứng khoán; cá nhân được ghi nhận phần vốn tăng thêm… thay vì phải trực tiếp kê khai, nộp thuế và quyết toán thuế thì trách nhiệm này kể từ năm 2021 được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập thực hiện khi cá nhân phát sinh chuyển nhượng chứng khoán cùng loại, chuyển nhượng vốn, rút vốn.

Thay đổi quan trọng nữa trong quản lý thuế TNCN kể từ năm 2021 là quy định doanh nghiệp hợp tác kinh doanh với cá nhân thì cá nhân không trực tiếp khai thuế. Doanh nghiệp có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp mà không phân biệt hình thức phân chia kết quả hợp tác kinh doanh, đồng thời doanh nghiệp có trách nhiệm khai thay và nộp thay thuế TNCN cho cá nhân hợp tác kinh doanh.

Theo bà Cúc, bên cạnh những thay đổi cơ bản, thuận lợi cho người nộp thuế, cũng có quy định gây bây lợi cho người nộp thuế đó là quy định thuế TNCN từ tiền lương, tiền công do cơ quan chi trả khấu trừ, nộp thay người lao động được kê khai nộp theo tháng và quyết toán theo năm.

“Rất nhiều trường hợp, cá nhân cả năm có thu nhập chưa đến ngưỡng phải nộp thuế sau khi giảm trừ gia cảnh, giảm trừ chi phí đóng bảo hiểm xã hội và các khoản giảm trừ khác theo luật định. Tuy nhiên, thường vào tháng đầu năm (rơi vào dịp Tết Nguyên đán), người lao động được nhận tiền thưởng, lương tháng 13, tết dương lịch, âm lịch… nên khoản thu nhập đột xuất này phải khai, khấu trừ và tạm nộp thuế TNCN ngay trong tháng có thu nhập theo quy định. Với những trường hợp cộng cả số tiền lương, tiền thưởng, tiền lương tháng 13, tiền tết âm lịch trong năm chưa đến mức phải nộp thuế TNCN, nhưng phải đến 31 tháng 3 năm sau (thời hạn quyết toán thuế TNCN của năm trước) mới nhận lại được số thuế TNCN đã tạm nộp. Như vậy, người lao động vô tình bị chiếm dụng tiền thuế do tháng thu nhập cao không được bù trừ vào những tháng có thu nhập thấp”, bà Cúc dẫn chứng.

Tin bài liên quan