Cà Mau cải thiện và nâng cao chất lượng tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
Vượt qua nhiều thách thức, kinh tế tỉnh Cà Mau đã có những tăng trưởng đáng khích lệ, là động lực để tỉnh đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2023 và cho cả nhiệm kỳ.
TP. Cà Mau, đô thị trung tâm cực Nam của đất nước đang đổi mới từng ngày.

TP. Cà Mau, đô thị trung tâm cực Nam của đất nước đang đổi mới từng ngày.

Kinh tế có nhiều điểm sáng

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt cho biết, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đang chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu đạt khá so kế hoạch, tăng trưởng so cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 8,61%. Trong đó, khu vực nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,67%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,71%; khu vực dịch vụ tăng 8,04%; thuế sản phẩm tăng 1,87%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 11.300 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ.

Với mức tăng trưởng trên, Cà Mau đứng thứ 2 tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và thứ 5 cả nước.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số ngành, lĩnh vực quan trọng đạt tỷ lệ cao so với kế hoạch năm và tăng trưởng so cùng kỳ như: thủy sản tăng 2,5%, thu ngân sách tăng 4,3%, sản lượng điện sản xuất tăng 44%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13,4%…

Kế hoạch đầu tư công năm 2023 được tập trung đẩy mạnh tiến độ thực hiện và giải ngân. Tính đến ngày 30/6/2023, Cà Mau đã giải ngân đạt 1.753,427 tỷ đồng, bằng 36,4% kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân chung của cả nước đạt 28,2% kế hoạch vốn).

UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/1/2023, trong đó xác định cụ thể các nhiệm vụ, giải pháp, các mốc thời gian giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt được theo từng quý và phân công lãnh đạo tỉnh theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện, giải ngân và giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn.

Hoạt động đầu tư xây dựng được đẩy mạnh, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 11,1%. Các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh được đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: cao tốc Hậu Giang - Cà Mau, tuyến đường tránh Quốc lộ 1 qua TP. Cà Mau, cầu Sông Đốc, trục Đông - Tây, cầu Gành Hào, tuyến đường Cà Mau - Đầm Dơi, tuyến đường Cái Nước - Vàm Đình - Cái Đôi Vàm, tuyến đường U Minh - Khánh Hội… góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Cải thiện Chỉ số PCI

Mục tiêu xuyên suốt của các cấp chính quyền tỉnh Cà Mau là không ngừng nâng cao trách nhiệm, tính năng động, chủ động đổi mới, sáng tạo trong công tác quản lý điều hành của các cấp, các ngành trong cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), thiết lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Phấn đấu năm 2023 và những năm tiếp theo, kết quả PCI tỉnh Cà Mau tiếp tục được cải thiện về thứ hạng và điểm số trên bản đồ PCI của các tỉnh, thành phố cả nước. Đây là mục tiêu chung của Kế hoạch Cải thiện và nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo, vừa được Chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành.

Theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2022, Chỉ số PCI của Cà Mau đạt 61,6 điểm (giảm 3,14 điểm), xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 26 bậc) so với năm 2021, xếp thứ 12/13 (giảm 5 bậc) so với các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL. Kết quả PCI năm 2022 cho thấy điểm số và thứ hạng bị sụt giảm mạnh, đây là lần giảm hạng sâu nhất của tỉnh trên bản đồ xếp hạng PCI so với các tỉnh, thành phố cả nước cũng như đối với vùng ĐBSCL.

Chỉ có 4/10 chỉ số thành phần có điểm số cao hơn điểm số trung vị cả nước, nhưng lại có đến 6/10 chỉ số thành phần thuộc nhóm có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước. Trong đó, chỉ số thành phần bị tụt hạng mạnh nhất và có vị trí xếp hạng thuộc top rất thấp so với các tỉnh, thành phố cả nước trong năm 2022 là: chi phí không chính thức, tính năng động, thiết chế pháp lý, đào tạo lao động, chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước và tiếp cận đất đai.

Từ kết quả trên, mục tiêu năm 2023 của tỉnh Cà Mau là tập trung cải thiện mạnh 6 chỉ số thành phần có điểm số thấp hơn điểm số trung vị cả nước. Duy trì và phát huy 4 chỉ số thành phần có điểm số cao hơn điểm số trung vị cả nước gồm: tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí gia nhập thị trường. Chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần chiếm trọng số cao trong tính điểm PCI; phấn đấu cải thiện 77/142 chỉ tiêu để tăng hạng.

Liên tục những tháng qua, lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau duy trì thường xuyên, đều đặn việc gặp mặt doanh nghiệp hàng tuần, hàng tháng tại các buổi cà phê doanh nghiệp, chương trình gặp gỡ kết nối doanh nghiệp, nhằm chia sẻ, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, trao đổi chân tình, thẳng thắn những vấn đề chưa hài lòng của doanh nghiệp, qua đó, kết nối và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp, khuyến khích các chương trình khởi nghiệp.

Theo ông Huỳnh Quốc Việt, Cà Mau không né tránh, mà rất cầu thị để tìm nguyên nhân, giải pháp khắc phục nhằm quyết tâm cải thiện Chỉ số PCI. UBND tỉnh hết sức lưu ý cải thiện vấn đề này để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp một cách linh động, kịp thời.

Về giải pháp cải thiện Chỉ số PCI, ông Việt cho hay, các cấp ngành trong tỉnh phải chuyển biến tư duy, nhận thức từ mệnh lệnh hành chính sang đồng hành, chia sẻ, gần gũi với doanh nghiệp; thường xuyên nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vấn đề con người, cán bộ, nhất là các vị trí trực tiếp tiếp xúc với doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ, xây dựng môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Gắn nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, công tác tuyên truyền đối với các chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

“Bằng sự cầu thị, tỉnh Cà Mau sẽ quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư của địa phương, khắc phục ngay những tồn tại, bất cập”, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau khẳng định.

Quyết tâm hoàn thành và vượt các chỉ tiêu

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh phấn đấu thực hiện có hiệu quả Đề án Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, để tích cực cải thiện dần điểm số và thứ hạng Chỉ số PCI.

Cũng theo ông Huỳnh Quốc Việt, trong 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh Cà Mau sẽ chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, với quyết tâm, nỗ lực, phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc những nhiệm vụ đã được giao tại Chương trình hành động số 01/CTr-UBND ngày 19/1/2023 của UBND tỉnh.

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, trọng tâm là giải quyết hồ sơ trực tuyến, thanh toán trực tuyến, số hóa hồ sơ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, lấy sự hài lòng của người dân làm mục tiêu phấn đấu.

Tăng cường vai trò lãnh đạo của người đứng đầu cơ quan hành chính để chủ động nâng cao năng lực của từng cấp, từng ngành trong cải cách hành chính; cải thiện thứ hạng đối với Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính (PAR-index). Quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch tỉnh đã được thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến năm 2025, ngoài phát triển các đô thị Cái Nước, Ðầm Dơi và Trần Văn Thời lên đô thị loại IV, thì cùng lúc tập trung phát triển TP. Cà Mau cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại I. Riêng 2 đô thị Tân Thuận (Ðầm Dơi), Rạch Gốc (Ngọc Hiển), triển khai quy hoạch và tổ chức thực hiện để phát triển nhanh và mạnh, trở thành các đô thị động lực trong tương lai với lợi thế thúc đẩy phát triển kinh tế biển về công nghiệp thủy sản, năng lượng và logistics của tỉnh.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc Thông báo số 1709/TB-VP ngày 7/6/2023 của Văn phòng UBND tỉnh về ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị bàn giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo.

Tập trung khắc phục những tồn tại, khó khăn của 6 tháng đầu năm 2023, tăng cường triển khai thực hiện các giải pháp để thúc đẩy sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp. Nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc để tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ động vật hoang dã. Nâng cao năng lực quản lý, giám sát biến đổi khí hậu, có giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại xuống mức thấp nhất do thiên tai gây ra. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) bằng nhiều hình thức.

Chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân để giảm áp lực chi phí, thúc đẩy sản xuất, thu hút đầu tư. Tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, phấn đấu vượt mức kế hoạch đề ra.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để đẩy mạnh xuất khẩu. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa. Rà soát, hỗ trợ nhà đầu tư duy trì vận hành ổn định 3 nhà máy điện gió đã hoàn thành và đi vào vận hành với tổng công suất 100 MW; đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư.

Theo dõi tình hình cung ứng, giá cả hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Công ty Điện lực Cà Mau đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh được ổn định, liên tục. Tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh năm 2023.

Triển khai quyết liệt công tác thu ngân sách và các giải pháp chống thất thu ngân sách nhà nước, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình, thực hiện giải ngân các nguồn kinh phí mua sắm, sửa chữa, dự án, đề án, đảm bảo giải ngân theo quy định.

Triển khai kịp thời và có hiệu quả các chính sách tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành danh mục công trình bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên năm 2023 để giải ngân vốn theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Tập trung quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, đặc biệt về quản lý vận tải trong các dịp lễ, tết, phục vụ khách du lịch và vận chuyển hàng hóa.

Tin bài liên quan