Người cao tuổi ở Đài Loan chuẩn bị được tiêm chủng (Ảnh: AP).
Doanh nhân Miles Hu lên kế hoạch tiêm chủng Covid-19 ở Mỹ vào cuối tháng này trong bối cảnh nhiều người Đài Loan giống như ông đang tìm cách tiếp cận với nguồn vắc xin khi diễn biến dịch bệnh ở hòn đảo đang phức tạp.
"Tôi khá chắc là Đài Loan sẽ không có đủ vắc xin cho mọi người tiêm cho tới cuối năm, vì vậy tôi dự định sẽ kết hợp vừa đi công tác, vừa tiêm chủng", ông Hu nói, cho biết, ông sẽ sang Los Angeles, California (Mỹ) và đặt lịch tiêm vắc xin tại một hiệu thuốc gần căn hộ ông thuê.
Nhiều bang ở Mỹ tiêm chủng miễn phí cho mọi người mà không yêu cầu giấy tờ chứng minh quốc tịch hoặc thường trú nhân, theo Straits Times.
Ông Hu tin rằng Đài Loan đã có chiến dịch chống dịch rất tốt hồi năm ngoái, tốt hơn nhiều so với những khu vực khác, nhưng hòn đảo chưa có một kế hoạch rõ ràng để đảm bảo đủ vắc xin cho 23,7 triệu dân.
Trong thời quan, Đài Loan chứng kiến đợt bùng dịch mạnh mẽ, với số ca bệnh tăng 1.000% bao gồm cả ca nội địa và ca nhập khẩu. Ngày 15/6, hòn đảo ghi nhận thêm 135 ca bệnh và 8 người tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 13.241 và 460 người thiệt mạng vì dịch.
Đài Loan đã đặt 20 triệu liều vắc xin từ Moderna, AstraZeneca và sáng kiến COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới WHO. Tuy nhiên, các lô vắc xin được chuyển đến một cách nhỏ giọt và chỉ đủ cho các nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế và gia đình họ.
Hòn đảo hiện mới nhận được 726.000 liều AstraZeneca và 150.000 liều Moderna.
Sang Mỹ hoặc Trung Quốc tiêm chủng
Đài Loan đặt mục tiêu rằng ít nhất 60% dân số hòn đảo phải được tiêm mũi vắc xin đầu tiên vào tháng 10. Hồi đầu tháng, Nhật Bản đã hỗ trợ Đài Loan 1,24 triệu liều AstraZeneca, trong khi Mỹ cam kết sẽ chuyển cho hòn đảo 750.000 liều.
Tuy nhiên, với khoảng 3% dân số được tiêm chủng vào tuần trước, nhiều người đã bày tỏ mối lo ngại về tốc độ tiêm vắc xin chậm so với sự bùng nổ của ca bệnh ở hòn đảo. Chính vì vậy, nhu cầu đi tiêm vắc xin ở Mỹ hay Trung Quốc tăng mạnh trong thời gian qua. Trên mạng xã hội, các cuộc thảo luận về "nhóm tour tiêm vắc xin" được bàn tán sôi nổi.
Nhiều người Đài Loan đã nhận được tin nhắn giới thiệu về "tour tiêm vắc xin Pfizer 21 ngày". Chương trình vừa kết hợp việc tiêm vắc xin, vừa cho du khách đi tham quan Las Vegas, San Francisco, San Diego, Los Angeles trong thời gian chờ đợi tiêm mũi thứ 2. Giá một chuyến đi như vậy là 12.680 USD.
Phía Đài Loan tuyên bố các tour như vậy là phạm pháp và cảnh báo các công ty du lịch có thể bị phạt tiền và tước giấy phép nếu bị phát hiện tổ chức loại hình này.
Nhiều người Đài Loan chọn bay sang Trung Quốc để tiêm chủng. Sau 2 tuần cách ly bắt buộc, người Đài Loan có thể đăng ký tiêm vắc xin miễn phí thông qua ứng dụng hoặc tại văn phòng các vấn đề Đài Loan của Trung Quốc.
Ông Kao Ren-mao, 42 tuổi, và vợ đã bay sang Thượng Hải hồi tháng 5 và được tiêm chủng. Họ đã tiêm mũi vắc xin Sinopharm đầu tiên vào tuần trước và đang chờ mũi thứ 2.
Ông Kao nói với Straits Times rằng ông biết hàng chục người Đài Loan khác cũng sang đại lục tiêm chủng giống ông.