Ca cao là hàng hoá tăng giá mạnh nhất trong năm nay

Ca cao là hàng hoá tăng giá mạnh nhất trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thời tiết khắc nghiệt chưa từng có đã thúc đẩy giá ca cao, cà phê và nước cam trong năm nay. Nhưng đợt tăng của giá ca cao đã vượt qua tất cả các hàng hoá chính vào năm 2024 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.

Giá ca cao đã tăng gần gấp ba lần trong năm nay khi sản lượng ở khu vực trồng trọt lớn nhất thế giới là Tây Phi giảm sút, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, thời tiết khắc nghiệt và một loại bệnh dịch nguy hiểm đã làm dấy lên mối lo ngại mới về vụ thu hoạch trong mùa này, đẩy giá hợp đồng tương lai ca cao tại New York lên mức cao kỷ lục gần 13.000 USD/tấn chỉ trong tuần này.

Tính thanh khoản thấp của hợp đồng tương lai ca cao cũng đang làm tăng thêm sự biến động mạnh, khiến mức tăng của giá ca cao thậm chí còn vượt xa Bitcoin.

Trước đó, đà tăng giá của thị trường ca cao đã hạ nhiệt sau khi tăng vọt lên gần 12.000 USD/tấn vào tháng 4, với kỳ vọng về vụ thu hoạch tốt hơn ở Tây Phi. Đợt tăng giá tiếp tục vào tháng 11 diễn ra khi thời tiết trở nên bất lợi cho sự phát triển của cây trồng, làm giảm hy vọng về sự phục hồi đáng kể về nguồn cung.

Ca cao đứng đầu mức tăng giá trong năm nay

Ca cao đứng đầu mức tăng giá trong năm nay

“Có vẻ như không có gì thực sự được khắc phục về mặt cung ứng trong năm nay và chúng ta thực sự chỉ cách một bước nữa là có thâm hụt lần thứ tư liên tiếp…Cả Bờ Biển Ngà và Ghana vẫn đang chật vật để hoàn thành các hợp đồng mà họ ký kết từ mùa trước”, Vladimir Zientek, cộng sự giao dịch tại công ty dịch vụ tài chính StoneX Group cho biết.

Sự tăng giá không ngừng đã gây ra thách thức trên nhiều mặt trận, đặc biệt là đối với những người làm sô cô la đang chờ giá tiếp tục hạ nhiệt để bổ sung tồn kho. Và khi phải đối mặt với mức giá cao kỷ lục, việc mua hàng đã giúp thúc đẩy thị trường tăng cao hơn.

“Việc duy trì các vị thế bán khống cũng trở nên đắt đỏ hơn, buộc một số người phải rời khỏi thị trường vì họ không có khả năng hoặc không muốn tái cấp vốn cho các vị thế thua lỗ này”, Stephen Butler, giám đốc thương mại tại nền tảng sử dụng AI để phân tích thị trường hàng hóa ChAI cho biết.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, lượng ca cao xuất khẩu từ Bờ Biển Ngà - nước trồng ca cao hàng đầu - cho đến nay đã đạt kết quả tốt với mức tăng khoảng 33% so mùa vụ trước. “Nhưng mức tăng này có phần gây hiểu lầm, vì mức nền của năm trước rất thấp”, các nhà phân tích của Commerzbank cho biết.

Sau khi lượng dự trữ ca cao toàn cầu giảm mạnh, thì khoản đệm sẽ nhỏ hơn nếu vụ mùa ở Tây Phi không như mong đợi, "điều này làm tăng nguy cơ giá tăng đột biến", các nhà phân tích cho biết thêm.

Theo dữ liệu từ công ty phân tích rủi ro hàng hoá KnowledgeCharts, trong khi giá hạt ca cao thô đã tăng vọt lên mức kỷ lục, thì chi phí bơ ca cao - thành phần sô cô la chính được chiết xuất từ ​​hạt thô - đã được kiềm chế do nhu cầu suy yếu. Điều này có thể hạn chế mức tăng giá của ca cao vào năm tới khi các nhà sản xuất sô cô la chuyển sang các sản phẩm tương đương được làm từ các thành phần như dầu cọ.

“Nhu cầu hiện tại vẫn chưa chắc chắn và dữ liệu nghiền trong quý IV sẽ được xem xét kỹ lưỡng khi công bố vào giữa tháng 1 để tìm bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự phá hủy nhu cầu”, nhà phân tích Tracey Allen cho biết.

Thời tiết khắc nghiệt

Những bất thường khác về thời tiết toàn cầu bao gồm tình trạng hạn hán ở Brazil cũng đang ảnh hưởng đến nhiều loại cây trồng, bao gồm cả cà phê. Theo dự báo của StoneX Group, sản lượng hạt cà phê arabica có thể giảm gần 11% vào năm tới.

Bão Milton tấn công trực tiếp vào miền trung Florida vào tháng 10 đã làm nổi bật một mùa bão hoạt động bất thường, tàn phá các vườn cam và tiếp tục làm chậm quá trình phục hồi sau các vấn đề về bệnh tật và thiệt hại đối với cây trồng trong cơn bão Ian năm 2022.

Do đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cam của Florida sẽ giảm xuống chỉ còn 12 triệu thùng, và đó sẽ là sản lượng thấp nhất kể từ năm 1930.

Các nhà phân tích cho biết những bất thường về thời tiết có thể là do biến đổi khí hậu. “Tác động của biến đổi khí hậu là hoàn toàn có thật”, Scott Bauer, người đứng đầu Học viện Giao dịch Prosper cho biết.

Ông dự kiến ​​giá hàng hóa sẽ tăng trên diện rộng vào năm 2025 khi biến đổi khí hậu gây ra nhiều khó khăn hơn cho sản xuất, cho dù đó là nhiệt độ khô hạn khắc nghiệt hay mưa và gió quá nhiều. Mà điều này không chỉ giới hạn ở các mặt hàng nông sản, mà giá kim loại như sắt và lithium cũng có thể tăng cao. Nhu cầu cao hơn và các vấn đề về chuỗi cung ứng sau giai đoạn Covid-19 đã giúp đẩy giá những loại kim loại này lên cao trong những năm gần đây, nhưng điều có thể làm giá tăng cao hơn nữa là tình trạng thiếu nước ngọt trong bối cảnh hạn hán đặc biệt ở các quốc gia như Úc, khiến việc cung cấp đủ nước cho công nhân tại các mỏ ở những quốc gia này trở thành một thách thức.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết năm nay là năm nóng nhất trong lịch sử. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tính đến tháng 9 đã nóng hơn 1,5 độ C so với mức trung bình tiền công nghiệp. Theo WMO, hiệu ứng làm mát của hiện tượng thời tiết La Nina đã được dự đoán vào mùa đông năm nay, nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

Trong báo cáo triển vọng hàng hóa năm 2025, Rabobank cho biết rằng việc xác định chính xác tác động của biến đổi khí hậu đối với hàng hóa trong năm tới sẽ là một thách thức.

"Ước tính về tác động của biến đổi khí hậu trong tương lai đối với sản xuất cây trồng là khác nhau...tuy nhiên, tất cả đều chỉ ra những tác động tiêu cực mạnh mẽ trên toàn cầu từ biến đổi khí hậu, đặc biệt là đối với các vùng vĩ độ thấp hơn có độ ẩm cao hơn", báo cáo của Rabobank cho biết.

Tin bài liên quan