Chưa công bố chính thức kết quả kinh doanh 2016, nhưng ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc BVSC cho biết, năm qua, BVSC vượt kế hoạch lợi nhuận mà Đại hội đồng cổ đông giao phó (kế hoạch 122 tỷ đồng lợi nhuận). Khoản lợi nhuận này rất có ý nghĩa với BVSC trong việc bổ sung vốn chủ sở hữu, bước vào chặng đường mới, hội nhập và phát triển.
Bên cạnh kết quả kinh doanh vững vàng, dấu ấn đáng nhớ của BVSC năm 2016 là Công ty đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Chứng khoán MNC - đối tác Indonesia. Đây cũng là công ty chứng khoán đầu tiên của Việt Nam xác lập thỏa thuận hợp tác với công ty chứng khoán ngoại, trong khuôn khổ Chương trình ASEAN Broker Networking 2016 được tổ chức tại Việt Nam.
BVSC cho rằng, việc ký thỏa thuận hợp tác đánh dấu mốc quan trọng trong định hướng tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng khai thác thị trường tại khu vực ASEAN của BVSC. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược hoạt động giai đoạn 2016-2020 của công ty chứng khoán đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam này.
Liên kết với đối tác ngoại, BVSC mong muốn sẽ có nhiều không gian để giới thiệu các cơ hội đầu tư tại các doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng cho các công ty chứng khoán trong khu vực. Thông qua các buổi trao đổi và tìm hiểu nhu cầu đầu tư, BVSC sẽ đưa ra các gói dịch vụ, sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho các khách hàng tiềm năng trong khu vực ASEAN.
Đánh giá về nền kinh tế và TTCK 2017, Tổng giám đốc BVSC chia sẻ góc nhìn lạc quan. Việc Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và một loạt hiệp định thương mại tự do sẽ tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế; khả năng mở room ngoại tại các nhóm ngành không thuộc diện nhạy cảm, lộ trình thoái vốn nhà nước tại 8 doanh nghiệp đang niêm yết sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá cổ phiếu; việc triển khai các sản phẩm phái sinh và cơ chế giao dịch mới.
Những yếu tố thuận lợi trên sẽ hút thêm dòng tiền đầu tư và tăng thanh khoản cho thị trường. Theo Tổng giám đốc BVSC, so sánh tương quan tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng với một số kênh đầu tư, kênh gửi tiết kiệm, thì kênh đầu tư cổ phiếu vẫn có lợi suất cao hơn tương đối.
Trên bình diện chung, TTCK Việt Nam đang thực hiện khát vọng nâng hạng trên trường quốc tế. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn 10 tiêu chí về mức độ tiếp cận thị trường chưa đạt được theo chuẩn của MSCI. Đây là một khoảng cách khá xa so với tốp các thị trường mới nổi trong khu vực là Phillipines, Thái Lan và Indonesia, chỉ có 3-5 tiêu chí dưới chuẩn của MSCI.
Ngay cả khi so sánh với 3 nước cùng tốp thị trường cận biên là Bangladesh, Argentina và Pakistan (sẽ chính thức được nâng hạng vào tháng 6/2017), Việt Nam vẫn có phần bị thua kém khi họ chỉ có 5-7 tiêu chí dưới chuẩn. Điều này cho thấy, chúng ta vẫn còn khá nhiều việc phải làm trong những năm tới để được đưa vào danh sách xét duyệt hàng năm của MSCI và thường cũng phải sau đó ít nhất 2-3 năm, chúng ta mới có cơ hội chính thức được nâng hạng.
Để nâng hạng thị trường, BVSC cho rằng, nhà quản lý cần tập trung vào 3 nhóm tiêu chí chính, đó là mở room ngoại (cần sớm ban hành một danh sách cụ thể, với độ mở rộng hơn đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sở hữu nước ngoài); chuẩn hóa và tăng cường mức độ phổ biến của các văn bản, tài liệu báo cáo bằng tiếng Anh, để giúp bình đẳng hóa khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài và cuối cùng là tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, hệ thống thanh toán bù trừ, chuyển nhượng, cho vay chứng khoán một cách linh hoạt và chính xác.
Ở vị thế của một công ty chứng khoán lớn, BVSC xây khát vọng vươn tầm bằng việc chia sẻ các cơ hội, các sản phẩm, dịch vụ mới đến đông đảo nhà đầu tư. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của ông Nhữ Đình Hòa, cái gốc để vươn xa chính là nhân sự.
“Đến một giai đoạn khi sự đầu tư về công nghệ, về sản phẩm, về nguồn lực tài chính tới điểm bão hòa, thì sự cạnh tranh giữa các công ty sẽ chỉ là vấn đề con người”, Tổng giám đốc BVSC nói và cho biết, năm 2017 và các năm tiếp theo, Công ty sẽ tiếp tục vun đắp gốc nhân sự, gốc con người, để sẵn sàng đón nhận mọi thách thức và cơ hội từ hội nhập.