Mặc dù lãi hợp nhất trước thuế trong 9 tháng đầu năm của Tập đoàn Bảo Việt (mã BVH) lên tới 1.306 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2011, nhưng lợi nhuận thuần từ kinh doanh bảo hiểm bị lỗ 376 tỷ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, TS. Hoàng Việt Hà, Giám đốc hoạt động, người phát ngôn BVH cho biết, trên thực tế, hoạt động bảo hiểm vẫn có lãi, còn lỗ ở đây chỉ mang tính kỹ thuật.
Trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, 9 tháng đầu năm 2012, Bảo Việt vẫn tăng trưởng ổn định với mức cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thị trường. Tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ kinh doanh bảo hiểm bị lỗ 376 tỷ đồng, ông giải thích ra sao về con số này?
Kết quả kinh doanh bảo hiểm hợp nhất của Tập đoàn Bảo Việt là kết quả hợp nhất của hoạt động kinh doanh thuần bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ.
Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ, 9 tháng đầu năm 2012 ghi nhận lãi 48 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của Bảo hiểm Bảo Việt (lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ) là 303 tỷ đồng.
Đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, giá trị lỗ kỹ thuật là 471 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế thì lợi nhuận trước thuế của Bảo Việt Nhân thọ (lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ) là 503 tỷ đồng. Lý do là bởi theo hệ thống tiêu chuẩn kế toán Việt Nam (VAS), dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ là khoản được khấu trừ khi xác định lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Trong đó, dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ đã bao gồm khoản lãi đầu tư từ dự phòng nghiệp vụ dành để thực hiện trách nhiệm với khách hàng, trong khi lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ lại không bao gồm doanh thu từ hoạt động đầu tư. Chính sự bất đối xứng này tạo ra khoản lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, nhưng kết quả lợi nhuận trước thuế của Bảo Việt Nhân thọ là 503 tỷ đồng.
Do tính chất của hoạt động bảo hiểm là tiền thu phí bảo hiểm sẽ được đem đi đầu tư, do vậy không nên tách biệt lợi nhuận trong kinh doanh bảo hiểm và lợi nhuận mang lại từ hoạt động đầu tư. Bởi thông qua hoạt động đầu tư, doanh nghiệp bảo hiểm mới thực hiện được đầy đủ cam kết với khách hàng và lợi nhuận của doanh nghiệp bảo hiểm chủ yếu hình thành từ hoạt động đầu tư.
Trước đó, sau khi BVH công bố lợi nhuận trước thuế trong quý III/2012 của công ty mẹ giảm 76% so với cùng kỳ năm ngoái do phải trích lập dự phòng lớn, giới phân tích có vẻ lo ngại về chiến lược đầu tư của Bảo Việt. Quan điểm của BVH ra sao?
Kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm của Bảo Việt đạt được trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn đã khẳng định chiến lược đúng đắn của Tập đoàn Bảo Việt. Mục tiêu hoạt động đầu tư của Bảo Việt là an toàn, hiệu quả nhằm bảo toàn và phát triển vốn của cổ đông và khách hàng, tăng cường công tác quản lý rủi ro trong bối cảnh đầu tư khó khăn, nhiều rủi ro tiềm ẩn. Các cảnh báo rủi ro với hoạt động đầu tư đã giúp Ban lãnh đạo quản lý và đưa ra các quyết định phù hợp, đảm bảo đầu tư an toàn, hiệu quả trong toàn hệ thống. Có thể thấy, các chỉ tiêu tăng trưởng của Bảo Việt trong năm nay là khá ổn định và vững chắc.
Chiến lược đầu tư của Bảo Việt lâu nay thường kết hợp các khoản tiền gửi ngắn hạn rủi ro thấp với các khoản đầu tư khác có rủi ro cao hơn. Sự kết hợp này có thực sự an toàn không, thưa ông?
Trong hoạt động đầu tư, Bảo Việt phải tuân thủ nguyên tắc an toàn, hiệu quả, đồng thời phải cân đối với khả năng thanh toán và các quy định về quản lý rủi ro của Tập đoàn. Chiến lược đầu tư của Tập đoàn Bảo Việt được điều chỉnh và rà soát thường xuyên theo sự biến động của thị trường. Trong bối cảnh kinh tế có nhiều thay đổi như những năm gần đây, chúng tôi đầu tư vào các khoản tiền gửi ngắn hạn có rủi ro thấp nhằm thực hiện chiến lược kinh doanh, phục vụ cho việc tăng vốn điều lệ tại Bảo hiểm Bảo Việt và Ngân hàng Bảo Việt.
Ngoài ra, đối với khoản đầu tư lãi suất cố định, Tập đoàn Bảo Việt đã phân loại và đánh giá tín dụng đối với từng ngân hàng/tổ chức tín dụng và đưa ra hạn mức, cảnh báo trong toàn Tập đoàn. Chúng tôi chỉ đầu tư vào các ngân hàng có kết quả hoạt động kinh doanh tốt, thông tin minh bạch và luôn đảm bảo các chỉ số an toàn vốn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Bộ phận quản lý rủi ro của Tập đoàn thường xuyên đánh giá, rà soát phân loại các ngân hàng dựa trên bộ tiêu chí chấm điểm do Bảo Việt xây dựng để đề xuất và giám sát hạn mức đầu tư tiền gửi tại các ngân hàng này.
Ông cho biết rõ hơn về hoạt động kinh doanh hiện tại của BVH, đặc biệt là các sản phẩm, dịch vụ tài chính mang lại tiện ích cho khách hàng?
Trong năm 2012, Tập đoàn tiếp tục tập trung xây dựng “Một Bảo Việt - Một nền tảng mới” và đã đạt được những thành tựu quan trọng như hoàn thiện hệ thống quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm cũng như chú trọng đầu tư phát triển các thị trường trọng điểm, đẩy mạnh đầu tư hệ thống công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý rủi ro; phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng suất lao động và thực hành tiết kiệm chi phí.
Một số kết quả cụ thể của việc cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới là Bảo Việt đã tăng cường hoạt động của các trung tâm chăm sóc khách hàng, nhằm phục vụ khách hàng 24/7 trong cả hai lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, thông qua số dịch vụ duy nhất 1900558899. Bảo hiểm Bảo Việt triển khai thành công Đề án triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo chủ trương của Chính phủ; phát triển các sản phẩm bảo hiểm bancassurance, M-plus Care, sản phẩm bảo hiểm nhà tư nhân, bảo hiểm cháy nổ xe cơ giới… Bảo Việt Nhân thọ đã ra mắt các sản phẩm bảo hiểm mới như: bảo hiểm sức khỏe cho cả 3 thế hệ trong gia đình “An phát bảo gia”, sản phẩm bổ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện “An tâm sống khỏe”, “An tâm toàn mỹ” và triển khai chương trình khuyến mãi “Vui Xuân đón Tết, kết triệu tình thân”.
Ngày 2 - 4/11/2012, hơn 80 cán bộ Bảo Việt đã chinh phục đỉnh Fansipan thành công, thể hiện quyết tâm đoàn kết, năng động, vượt qua thử thách, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) hiện có các công ty con sau:
- Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt (BVH sở hữu 100% vốn).
- Tổng công ty Bảo Việt Nhân thọ (BVH sở hữu 100% vốn).
- Công ty TNHH Quản lý quỹ Bảo Việt (BVH sở hữu 100% vốn).
- CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVH sở hữu 59,92% vốn).
- Công ty TNHH Bảo Việt - Âu Lạc (BVH sở hữu 60% vốn).
- Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BVH sở hữu 52% vốn).
- CTCP Đầu tư Bảo Việt (BVH sở hữu 55% vốn).
Ngoài ra, BVH có hai đơn vị hạch toán phụ thuộc là Trung tâm đào tạo Bảo Việt và Ban quản lý Các dự án đầu tư xây dựng cơ bản Bảo Việt. |