Số liệu vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đạt kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt trong các tháng cuối năm.
Cụ thể, ước đến 31/1/2022, thời điểm kết thúc niên hạn ngân sách năm 2021, giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 93,47% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cũng cần nhắc lại rằng, năm 2021, tình hình có nhiều khó khăn hơn so với năm 2020, do đặc thù của năm đầu kế hoạch đầu tư công trung hạn, cũng như do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng rất ấn tượng. Đặc biệt, giải ngân các tháng cuối năm tăng mạnh so với 6 tháng đầu năm (64,45% kế hoạch cả năm) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (64,04%).
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là kết quả rất đáng ghi nhận, cho thấy hiệu quả tích cực của các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành.
“Đây là kết quả rất tích cực, có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo để tiến tới mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, đó là giải ngân bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 90% kế hoạch Quốc hội giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Trong bối cảnh đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có vai trò rất lớn, và ngay từ những ngày đầu năm, công tác thúc đẩy giải ngân đã được thực hiện.
Do đó, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước trong tháng 1/2022 ước tính đạt 25.300 tỷ đồng, bằng 4,8% kế hoạch năm và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 bằng 4,6% và tăng 24,9%).
Tuy nhiên, vốn giải ngân mới đạt 12.950 tỷ đồng, bằng 2,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Trong đó, vốn trong nước là 12.600 tỷ đồng (đạt 2,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); vốn nước ngoài là 350 tỷ đồng (đạt 1,005% kế hoạch).
Nguyên nhân giải ngân chậm, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là do thời điểm này, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021 và các thủ tục đấu thầu cho hạng mục, dự án triển khai trong năm 2022.
Tính đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trước ngày 31/12/2021 đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 324.767,269 tỷ đồng, đạt 62,6% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (518.105,895 tỷ đồng).
Về cơ bản, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã chủ động, tích cực triển khai giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 kịp thời, đáp ứng yêu cầu dự án có thể giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 ngay từ đầu năm.
Việc phân bổ này cũng đã cơ bản bố trí vốn theo các nguyên tắc, tiêu chí quy định tại Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và trong phạm vi kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tuy nhiên, số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ còn khá lớn (trên 193.338 tỷ đồng), bằng 37,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo số liệu tổng hợp, vẫn còn 48 bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này chủ yếu dự kiến phân bổ cho các dự án chưa được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, phải báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chính vì vậy, báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 cần được triển khai quyết liệt hơn. Năm 2022, đầu tư công tiếp tục được coi là một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.