Theo công bố của Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM vừa mới đưa ra ngày hôm qua, TPB là một trong 3 mã cổ phiếu mới, cùng với BVH và PDR, đã vượt qua kỳ đánh giá đầu năm 2021 để được chọn vào rổ VN30.
VN30 tập hợp những cổ phiếu có tính thanh khoản cao nhất nên giá của các cổ phiếu trong danh mục này phản ánh tốt nhất mối quan hệ cung cầu, từ đó hạn chế tình trạng làm giá như thường xảy ra với những cổ phiếu thanh khoản kém.
Để vào được VN30, các mã chứng khoán sẽ phải trải qua 3 bước sàng lọc về giá trị vốn hóa, khối lượng cổ phiếu tự do lưu hành trên thị trường (free-float) và thanh khoản. Bởi vậy việc lọt được vào danh sách “hàng tuyển chọn” này là sự khẳng định chất lượng của cổ phiếu TPB về cả thanh khoản lẫn giá trị.
Tuy các cổ phiếu trong danh mục VN30 được sàng lọc không lựa chọn theo tiêu chuẩn chất lượng kết quả kinh doanh, biểu đồ giá cổ phiếu liên tục tạo lập những đỉnh mới trong một thời gian dài, với khối lượng giao dịch lớn, đặc biệt là lượng mua lớn đến từ khối ngoại, chính là hàn thử biểu phản ánh chất lượng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và niềm tin của các nhà đầu tư vào một viễn cảnh tươi sáng hơn trong năm 2021.
Từ cuối tháng 10/2020 đến nay, giá cổ phiếu TPBank đã liên tục lập đỉnh mới, tăng từ mức 18.660 đồng/CP lên 28.800 đồng/CP (chốt phiên giao dịch ngày 18/1), tương đương mức tăng gần 54%. Điều đáng chú ý là mức tăng này là sau khi các cổ đông đã được chia cổ phiếu thưởng 22,18% gần đây và ngân hàng đã phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động. Đây cũng là mức cao nhất của cổ phiếu TPB từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay.
Với mức giá trên, giá trị vốn hóa của Ngân hàng TPBank đạt hơn 29.700 tỷ đồng, tương đương gần 1,3 tỷ USD.
Chất lượng tài sản tốt, tiềm năng tăng trưởng nhanh nhờ chiến lược số hóa toàn diện và đội ngũ lãnh đạo giàu tham vọng chính là sức hút các nhà đầu tư vào cổ phiếu TPB trong thời gian qua.
Kết thúc năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.
Mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể do ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới, nhưng nhờ dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng.
Mặt khác, nhờ sở hữu một nền tảng ngân hàng số hiện đại và tích cực chuyển đổi số, giúp ngân hàng tiết kiệm nhân lực và tối ưu hóa chi phí hoạt động, nên lợi nhuận trước thuế trong năm 2020 của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Ngân hàng tiếp tục duy trì hiệu quả kinh doanh ở mức cao, thể hiện qua các chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%. Chỉ số chi phí trên thu nhập hoạt động thuần (CIR) cũng được giảm đáng kể, xuống mức 39,69%, mặc dù trong vài năm qua TPBank đã bỏ rất nhiều tiền đầu tư cho ngân hàng số và công nghệ mới.
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dự kiến hoạt động kinh doanh của TPBank sẽ có một năm tươi sáng trong năm 2021, khi các chương trình đầu tư vào số hóa những năm trước tiếp tục phát huy hiệu quả.
Thêm vào đó, giữa tháng 11/2020, TPBank cũng đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 8.565 tỷ đồng lên 10.716 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu. Tăng vốn cũng sẽ giúp TPBank gia tăng được nguồn vốn trung dài hạn, tạo điều kiện để ngân hàng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới hoạt động và đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng ở những năm tiếp theo.