Trong công tác xử lý và thu hồi nợ tại các tổ chức tín dụng, thường khách hàng có nợ xấu, bên bảo lãnh hoặc bên thứ ba có liên quan vẫn hay khó chịu, tìm mọi cách trì hoãn, thậm chí chống đối với mục đích kéo dài thời gian trả nợ, chính vì thế các cán bộ làm công tác xử lý nợ luôn sẵn sàng tinh thần để đối mặt với những câu chuyện không vui và đồng thời quá trình thực hiện công tác phải vận dụng nhiều biện pháp phối kết hợp để xử lý những khó khăn, vướng mắc nhằm nhanh chóng thu hồi nợ. Và trong số đó, có những trường hợp để lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ.
Gian nan đi tìm tài sản đảm bảo là phương tiện vận tải
Có một câu chuyện về việc xử lý tài sản đảm bảo là phương tiện vận tải, đó là trường hợp khách hàng doanh nghiệp vay vốn lưu động phục vụ hoạt động mua bán quả thanh long xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và thế chấp bằng chiếc xe đầu kéo cho ngân hàng.
Tiếp đó, chiếc xe đầu kéo được khách hàng dùng để chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc. Tình hình hoạt động ổn định được một thời gian thì xe bị tai nạn rơi xuống vực tại tỉnh Lạng Sơn.
Việc kinh doanh bị dừng lại, doanh nghiệp không có tiền trả nợ ngân hàng, cũng như các hộ dân bán quả thanh long. Khi cán bộ ngân hàng đến nhà khách hàng làm việc để xác minh tài sản đảm bảo là chiếc xe thì chỉ còn gặp mẹ chồng, người chồng và 3 đứa con nheo nhóc, còn người vợ là chủ doanh nghiệp đã rời khỏi địa phương. Hơn thế, căn nhà ba cha con đang ở, vốn thuộc sở hữu của bà nội, cũng đã thế chấp cho một ngân hàng khác.
Kể từ ngày có thông tin chiếc xe bị nạn đến nay không ai có thể xác định được chiếc xe đang ở đâu, kể cả cơ quan thi hành án. Do vậy, cơ quan này cho biết, ngân hàng phải tự thực hiện xác minh tài sản và thông báo cho cơ quan thi hành án khi có kết quả để xử lý.
Trong tình huống này, ngân hàng đã phải nhờ đến cơ quan công an giao thông và một số cơ quan điều tra để hỗ trợ xác minh tài sản. Khi đó, cơ quan điều tra đã cung cấp thông tin là chiếc xe được một số chủ nợ của khách hàng đem từ Lạng Sơn về TP. Đà Nẵng, nhưng cụ thể tài sản đang nằm ở đâu và do ai quản lý thì cơ quan điều tra không nắm được.
Như vậy, bước đầu ngân hàng đã khoanh vùng được địa bàn nơi giữ tài sản. Trên cơ sở phân tích chiếc xe đã bị tai nạn nên chắc chắn sẽ phải tới các gara sửa xe trên địa bàn TP. Đà Nẵng, phòng xử lý nợ nhanh chóng trình lãnh đạo ngân hàng thông qua kế hoạch cử cán bộ xử lý nợ phối hợp chi nhánh tới địa phương này.
Ông Nguyễn Hoàng Trung Nguyên, Giám đốc Xử lý nợ và khai thác tài sản SCB
Công cuộc tìm kiếm được lên kế hoạch cụ thể với danh sách địa chỉ các gara sửa ô tô tại TP. Đà Nẵng. Tuy nhiên, từ thứ Hai đến sáng thứ Sáu, sau 5 ngày lân la hỏi thăm tại các gara đều không có kết quả.
Các cán bộ ngân hàng đã dự kiến ngày thứ Bảy phải quay về theo kế hoạch công tác, nhưng trong chiều ngày thứ Sáu, trên cơ sở phân tích, tổng hợp quá trình tìm kiếm, cán bộ ngân hàng quyết định quay lại gara lớn nhất đã đến hỏi đầu tiên một lần nữa.
Tại thời điểm đó, ông chủ gara không có mặt tại xưởng mà chỉ có một số nhân viên bảo vệ và người dân xung quanh. Sau một hồi trò chuyện, hỏi han thân tình, cán bộ ngân hàng được biết, ông chủ gara này là “dân” chuyên buôn bán xe đầu kéo cũ, hiện ông còn một gara lớn ở xa trung tâm TP. Đà Nẵng, gần giáp Quảng Nam.
Mặc dù chỉ còn tia hy vọng chiếc xe của ngân hàng đang ở đó, nhưng với tâm thế “còn nước còn tát”, xử lý đến tận cùng, các cán bộ ngân hàng ngay lập tức lên đường đến địa chỉ của cơ sở này.
Đúng theo hướng dẫn, các cán bộ Ngân hàng đã đến được gara và chủ động vào thẳng bên trong, đồng thời tình cờ gặp ông chủ gara đang ở đây. Tất nhiên, ông chủ gara này rất ngỡ ngàng, tỏ ra khá bối rối.
Cán bộ ngân hàng, một lần nữa đặt thẳng vấn đề về chiếc xe. Sau khi trao đổi, cuối cùng, ông chủ gara cũng đồng ý dẫn các cán bộ ngân hàng vào phía trong, nơi có rất nhiều xe ô tô tải, xe đầu kéo các loại.
Thật may mắn, cán bộ ngân hàng đã nhận ra ngay chiếc xe đầu kéo là tài sản bảo đảm của ngân hàng, mặc dù đầu đã bị móp méo và dàn kéo đã bị tháo hết bánh xe. Với thiện chí của ông chủ gara, cán bộ ngân hàng đã khéo léo lập một biên bản làm việc, trong đó có nội dung ông chủ gara cam kết quản lý, không chuyển dịch chiếc xe đi nơi khác, đồng thời chụp hình lại chiếc xe và thông báo ngay cho cơ quan thi hành án.
Sau này, ngân hàng đã hỗ trợ tiền sửa xe và kéo xe từ Lạng Sơn về TP. Đà Nẵng cho ông chủ gara, đồng thời, khi ngân hàng tiến hành bán đấu giá, ông chủ gara này cũng là người trả giá cao nhất và mua được tài sản.
Bán xong chiếc xe và thu hồi nợ, mặc dù có phát sinh một số chi phí hợp lý do ngân hàng hỗ trợ các bên để nhanh chóng xử lý, nhưng hành trình đi tìm tài sản và cái kết cũng là một trải nghiệm đáng nhớ.
Gần đến đích vẫn mòn mỏi
Trong công các xử lý nợ, thường khi cơ quan thi hành án đã đưa tài sản bảo đảm ra bán đấu giá là xem như ngân hàng sắp đến đích, chuẩn bị thu hồi được nợ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, câu chuyện không đơn giản như vậy.
Có trường hợp, cơ quan thi hành án đã phối hợp với tổ chức bán đấu giá rao bán công khai lần đầu đối với tài sản và có người mua hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá. Bất ngờ, cơ quan thi hành án có thông báo dừng việc bán đấu giá do chủ tài sản có thông báo đề nghị hoãn việc thi hành án, bởi có phát sinh tranh chấp với bên thuê nhà và đang được tòa án xem xét, mặc dù chưa có thông báo thụ lý của tòa.
Trong công tác xử lý nợ, thường khi cơ quan thi hành án đã đưa tài sản bảo đảm ra bán đấu giá là xem như ngân hàng sắp đến đích, chuẩn bị thu hồi được nợ. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp, câu chuyện không đơn giản như vậy.
Hết thời gian tạm hoãn, cơ quan thi hành án tiếp tục thực hiện việc rao bán đấu giá và có người đăng ký tham gia đấu giá. Tuy nhiên, vài ngày sau, cơ quan này lại nhận được thông báo thụ lý của tòa án do chủ tài sản cung cấp, liên quan đến tranh chấp của bên thứ ba yêu cầu chủ tài sản thanh toán tiền sửa chữa nhà và buộc chuyển nhượng 1/2 căn nhà. Do đó, cơ quan thi hành án đã phải tạm đình chỉ thi hành án để chờ kết quả giải quyết của tòa án.
Theo quy định pháp luật, cơ quan thi hành án đã có văn bản đề nghị tòa án đưa Thi hành án vào tham gia với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng không nhận được trả lời của tòa. Sau đó, ngân hàng đã trực tiếp làm việc với tòa thì được biết, tòa án mới ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ kiện nêu trên do bên thứ ba tự nguyện rút đơn kiện. Ngay lập tức ngân hàng đã đề nghị cơ quan thi hành án tiếp tục nhanh chóng thực hiện việc bán đấu giá.
Tuy nhiên, mới đây, diễn biến này lại lặp lại và đương nhiên, việc tiếp tục triển khai bán đấu giá tài sản của ngân hàng và thi hành án lại tiếp tục tạm hoãn vì phải chờ kết quả giải quyết của tòa án.
Với trường hợp này, điệp khúc “nộp” và “rút” đơn kiện sẽ được bên thứ ba và chủ tài sản tiếp tục khai thác triệt để để kéo dài việc xử lý tài sản (tiếp tục khai thác lợi ích từ tài sản như ở, cho thuê…), trong khi ngân hàng vẫn phải “kiên nhẫn chờ đợi”.