Nhà đầu tư thua lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Nhà đầu tư thua lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân

Buồn với thuế chứng khoán

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nhà đầu tư không chỉ buồn vì giá cổ phiếu giảm, mà còn do thua lỗ vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thu ngân sách tăng, nhà đầu tư ngậm ngùi

Nhà đầu tư Nguyễn Bích Liên tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết, gần đây, chị quyết định bán cắt lỗ một số cổ phiếu, không còn kỳ vọng “về bờ” như trước. Tham gia thị trường chứng khoán, chị xác định lời ăn, lỗ chịu, nhưng trong tình cảnh không có thu nhập mà phải nộp thuế thu nhập cá nhân 0,1% trên giá trị bán khiến chị và nhiều nhà đầu tư khác cảm thấy buồn.

“Phí giao dịch tại các công ty chứng khoán dao động trong khoảng 0,1 - 0,25% giá trị giao dịch, chúng tôi không có ý kiến gì, vì đó là chi phí mà mình sử dụng dịch vụ, nhưng khoản thuế thu nhập cá nhân 0,1% đánh trên giao dịch bán thì tôi và nhiều người khác thấy bất hợp lý trong trường hợp đầu tư không có lãi. Đã gọi là thuế thu nhập thì ngành thuế chỉ nên thu khi nhà đầu tư có thu nhập, tức có lãi, chứ sao lại thu cả khi họ thua lỗ?”, chị Liên nói.

Chị Hồng Yên, nhà đầu tư mở tài khoản tại Công ty Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) phản ánh một bất hợp lý khác về thuế chứng khoán. Mới đây, chị Yên bán cổ phiếu DBC của Dabaco và thông báo kết quả giao dịch qua email từ công ty chứng khoán cho thấy, ngoài khoản phí giao dịch 0,15% và khoản thuế thu nhập 0,1%, chị còn phải nộp thuế cổ tức 5% do Dabaco trả cổ tức bằng cổ phiếu.

“Tôi cảm thấy không thỏa đáng về khoản thu thuế cổ tức, bởi cổ tức trả bằng cổ phiếu chưa về tài khoản. Đáng nói hơn là khoản này không tạo ra thu nhập, vì tại ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức, giá tham chiếu của cổ phiếu bị điều chỉnh giảm tương ứng. Mặt khác, cổ tức bằng cổ phiếu bị đánh 2 lần thuế, 5% thuế cổ tức và 0,1% thuế thu nhập”, chị Yên nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến hết tháng 7/2022, số thu ngân sách do ngành thuế quản lý đạt hơn 911.000 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán cả năm 2022 và tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Cách tính thuế nên được điều chỉnh hợp lý hơn, đúng với nguyên tắc thu thuế khi có thu nhập.

Trong khi phần đông doanh nghiệp và người dân vẫn chưa thoát khỏi khó khăn vì đại dịch Covid-19 thì số thu từ thuế thu nhập cá nhân sau 7 tháng ước đạt 90,1% kế hoạch năm 2022 và chứng khoán là một trong 4 lĩnh vực đóng góp số thu lớn trong tăng trưởng thu nội địa (bao gồm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và dầu khí), với mức tăng 31,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số liệu trên đặt trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm điểm, hầu hết người tham gia thua lỗ, càng khiến nhà đầu tư cảm thấy ngậm ngùi, thậm chí bức xúc. Nhiều ý kiến cho rằng, cách tính thuế đối với lĩnh vực chứng khoán nên được điều chỉnh hợp lý hơn, đúng với nguyên tắc thu thuế khi có thu nhập.

Tên là thuế thu nhập, nhưng đánh trên doanh thu

Trước thắc mắc về thuế cổ tức cổ phiếu, một nhân viên môi giới của Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) tên là Nam cho biết, theo quy định, trường hợp nhà đầu tư nhận cổ tức bằng tiền mặt thì công ty chứng khoán trừ ngay thuế 5% khi cổ tức tiền mặt đó về tài khoản, còn cổ tức cổ phiếu sẽ thu thuế khi nhà đầu tư bán cổ phiếu đó.

“Vấn đề thuế, phí là do Sở giao dịch chứng khoán quy định dựa trên các văn bản pháp luật về thuế, công ty chứng khoán chỉ thu hộ bằng các bút toán trước và sau thời điểm giao dịch”, anh Nam nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán về vấn đề thuế chứng khoán, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận xét, gọi là thuế thu nhập chứng khoán nhưng khoản thuế này thực tế có lúc đánh nhầm trên doanh thu, chứ không phải đánh trên thu nhập. Khi nhà đầu tư bán chứng khoán mà có lãi thì thuế 0,1% là thuế đánh trên thu nhập. Nếu đó là giao dịch cắt lỗ, không phát sinh thu nhập mà thuế vẫn cào bằng đánh 0,1% thì khi đó thuế đánh trên doanh thu.

“Không thể theo dõi từng mã chứng khoán xem tăng giảm thế nào vì thị trường thay đổi liên tục, nên rất khó đánh thuế trên thu nhập, đành phải đánh trên doanh thu”, ông Thịnh nói.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, hiện nay, có sự bất cập trong Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, người bán cổ phiếu là nhà đầu tư tổ chức sẽ nộp thuế thu nhập từ cổ phiếu theo lợi nhuận thực tế, còn với nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ phải chịu mức thuế 0,1% doanh số bán, bất kể lãi hay lỗ.

Đối với thuế cổ tức, trước đây, chỉ những khoản cổ tức tiền mặt mới bị khấu trừ thuế 5% từ nguồn, còn cổ tức cổ phiếu không phải chịu thuế. Nhưng từ ngày 5/12/2020, nhà đầu tư cứ nhận được thêm cổ phiếu, dù là cổ phiếu cổ tức hay cổ phiếu thưởng, thì đều phải nộp 5% thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

“Chính vì chính sách này mà phần đông nhà đầu tư không mặn mà với cổ phiếu được chia, do quá trình chia tách đã làm cổ phiếu bị pha loãng giá, lại còn phải chịu cảnh thuế chồng thuế”, ông Minh nói.

Tin bài liên quan