Nông dân Bến Tre chăm sóc bưởi da xanh. (Ảnh: Công Trí/TTXVN).
Trái bưởi tươi chính thức được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang Hoa Kỳ sau hơn 6 năm đàm phán; trong đó, bưởi da xanh Bến Tre sẽ là lô hàng đầu tiên được xuất khẩu sang Hoa Kỳ vào ngày mai 28/11.
Đây là một minh chứng cho sự nỗ lực của tỉnh Bến Tre trong việc đẩy mạnh các hoạt động sản xuất-kinh doanh, xuất khẩu nông sản, cũng như mở ra triển vọng cho thương hiệu mặt hàng nông sản nói chung, bưởi da xanh nói riêng chinh phục các thị trường khó tính theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, nâng giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân.
Nông dân trồng bưởi Bến Tre nỗ lực để hướng tới một nền nông nghiệp sản xuất sạch, theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng nội địa khi đời sống kinh tế được nâng cao. Không những thế, đây chính là điều kiện tiên quyết để quả bưởi "đổi đời " thuận lợi đi vào các cửa hàng tiện lợi, từng bước chinh phục các thị trường lớn khó tính.
Nâng cao chất lượng
Hơn 5 năm chuyên canh bưởi, nhưng đến nay ông Hồ Văn Lời ngụ xã Tam Phước, huyện Châu Thành vui mừng như "mở cờ trong bụng" khi những trái bưởi trên mảnh vườn 6.000m2 do chính tay ông chăm sóc sẽ được cấp "hộ chiếu" xuất khẩu sang Mỹ.
Ông Lời cho biết trước đây, ông vốn quen với tập quán canh tác truyền thông nên ông còn khá bỡ ngỡ với những điều kiện "hàng rào kỹ thuật" khi xuất ngoại nông sản. Tuy nhiên, được vận động sản xuất theo an toàn, ông đã mạnh dạn chuyển đổi, quyết bỏ thói quen dùng các hoạt chất độc hại để trừ sâu bệnh. Bởi theo ông, thay đổi để nhập cuộc, đưa nông sản Việt vươn xa hơn.
Để chinh phục thị trường khó tính, theo ông Lời, nông dân cần phải tuyệt đối tuân thủ quy trình sản xuất sạch, minh bạch đầu vào - ra bằng nhật ký canh tác, chỉ sử dụng các loại thuốc trong danh mục cho phép, đảm bảo thời gian cách ly từng loại thuốc sau khi phun...
"Vấn đề khó nhất để bưởi được cấp "hộ chiếu" là nông dân chuyển sang sử dụng thuốc sinh học, an toàn thay cho các loại thuốc hóa học, độc lực cao, hiệu quả tức thời," ông Lời nhấn mạnh.
Tại mảnh vườn rộng khoảng 1ha với hơn 400 gốc bưởi da xanh của ông Vương Thành Công ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành, thuốc hóa học được loại bỏ hoàn toàn, thay vào đó là những bầy kiến vàng đóng vai trò tiêu diệt các loài sâu rầy, dịch hại.
Không chỉ vậy, ông Thành còn quan tâm đến sức khỏe của đất, loại bỏ hoàn toàn các phân bón vô cơ, thay vào đó ông ủ phân từ các phụ phẩm nông nghiệp để phục vụ sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao và góp phần bảo vệ môi trường.
Ông Công chia sẻ bón phân hữu cơ sẽ đất tươi xốp, thứ hai là bộ rễ cây khỏe, từ đó, hút chất dinh dưỡng nuôi cây tốt. Khi sử dụng phân hữu cơ tuổi thọ cây trồng kéo dài, trái tốt, ngon-ngọt, chi phí giảm so với phân vô cơ, không xảy ra trường hợp "bạo phát, bạo tàn."
Theo ông Công, thay vì sản xuất chủ yếu tập trung vào sản lượng như trước đây, hiện nay nông dân đã ý thức hơn trong việc thay đổi phương thức sản xuất tập trung vào chất lượng nông sản theo hướng "sản xuất sạch-nông nghiệp xanh."
Chính điều này, vừa mang đến sự an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dung và từng bước "gõ cửa" các thị trường khó tính.
Liên kết, "gõ cửa" thị trường
Trong thời gian qua, tỉnh Bến Tre đã vận động thành lập và củng cố chuỗi bưởi da xanh với 32 tổ hợp tác, 12 hợp tác xã hơn 1.500 hộ tham gia với diện tích hơn 542ha.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Bưởi da xanh Bến Tre, sau thành lập 6 năm hợp tác xã bưởi da xanh có 382 thành viên với hơn 110ha (85ha đang cho trái). Ngay từ khi thành lập hợp tác xã đã có ý định xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn để có thể xuất khẩu được trên các thị trường ngoài nước.
Nông dân Bến Tre thu hoạch bưởi da xanh. (Ảnh: Công Trí/TTXVN). |
Cho nên, trong quá trình phát triển thành viên hợp tác xã luôn hướng dẫn người nông dân trong sản xuất, ứng dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP trong quản lý canh tác. Hiện hợp tác xã có 37ha đạt chuẩn VietGAP, 14ha đạt chuẩn GlobalGAP.
Bên cạnh đó, tỉnh tổ chức nhiều lớp chia sẻ cho người nông dân những danh mục thuốc hóa chất bị cấm để nông dân biết và tuân thủ. Các vùng có mã vùng trồng sinh hoạt với người nông dân tuân thủ tốt các quy chuẩn xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Cùng với đó, hợp tác xã chuẩn bị xây dựng hai mã vùng trồng cho hai xã An Khánh và Tam Phước với quy mô mã vùng trồng trên 20ha phục vụ cho thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ thay đổi thói quen tập quán sản xuất khi tham gia thị trường lớn, thị trường khó tính hợp tác xã phải nỗ lực cùng với người nông dân, doanh nghiệp với các cơ quan khác để thay đổi được cách làm cách sản xuất đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
"Thị trường tiêu thụ nội địa hiện nay đã bảo hòa, nếu mở được kênh xuất khẩu giá khá hơn, giúp nông dân trồng bưởi tăng thu nhập. Từ đó, thúc đẩy nông dân đầu tư sản xuất, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao hơn," ông Nguyễn Quốc Bảo khẳng định.
Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bến Tre, việc liên kết với nông dân, hợp tác xã xây dựng mã vùng trồng cũng là câu chuyện "sống-còn" của doanh nghiệp trong thời gian tới và không còn cách nào khác hơn trước bối cảnh hầu hết các nước đều xây dựng hàng rào kỹ thuật bằng các tiêu chuẩn chất lượng, trong đó tiêu chuẩn đầu tiên là thực hành nông nghiệp tốt và có mã vùng trồng rõ ràng.
Vấn đề trong liên kết chuỗi giá trị nông sản chủ lực theo Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy thời gian qua cũng còn nhiều vấn đề rất e ngại, nên doanh nghiệp cần cố gắng hết sức để xây dựng niềm tin, tạo mối gắn kết chặt chẽ, bền vững với chuỗi bưởi.
Để đáp ứng yêu cầu về sản lượng ổn định, doanh nghiệp quan tâm kết nối, xây dựng vùng nguyên liệu đủ lớn, nắm chắc sản lượng cung ứng từng thời điểm của mỗi vùng trồng; hướng sản xuất theo kiểu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, vùng trồng, tỉnh Bến Tre tập trung xây dựng thương hiệu bưởi da xanh độc nhất và mang tầm nông nghiệp quốc gia, sánh vai cùng thế giới.