Cuba đang tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài, đưa nền kinh tế của đảo quốc Caribe này hòa vào thị trường toàn cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nội địa, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và lệnh cấm vận kinh tế ngày càng khắc nghiệt của Mỹ.
Trước đó, như một bước tiến mới để thu hút giới kinh doanh, Cuba đã tung ra dịch vụ "một cửa" cho hoạt động ngoại thương, một nền tảng trực tuyến sẽ xúc tiến các quy trình xuất nhập khẩu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bộ trưởng Ngoại thương và Đầu tư Cuba (MINCEX) Rodrigo Malmierca cho biết, một khi dịch vụ “một cửa” gồm ba giai đoạn hoàn thành, các doanh nghiệp, các bộ phận giao nhận, vận tải và các nhà cung cấp hàng hóa nước ngoài có thể sẽ dễ dàng hơn trong việc đăng ký, cấp giấy phép cũng như thanh toán.
Ông Malmierca nhấn mạnh, sau khi cuộc khủng hoảng COVID-19 được khống chế thành công, Chính phủ Cuba sẽ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế kéo dài. Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ không từ bỏ ý định thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như tin học hóa xã hội Cuba".
MINCEX cũng cho biết dịch vụ “một cửa” nói trên sẽ lược bớt các thủ tục kinh doanh mà không cần sửa đổi các quy định hiện hành, đồng thời cho hay việc đăng ký các thủ tục trực tuyến đang được thử nghiệm và sẽ đi vào hoạt động từ tháng 10/2020.
Dịch vụ “một cửa” được đưa ra giữa bối cảnh Chính phủ Cuba đang thực hiện các biện pháp để giúp phục hồi nền kinh tế đất nước, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ.
Theo số liệu chính thức, Cuba nhập khẩu máy móc, nhiên liệu, công nghệ và 60%-80% lượng thực phẩm mà nước này tiêu thụ. Các mặt hàng và dịch vụ xuất khẩu chính của Cuba là dịch vụ y tế, du lịch, sản phẩm dược sinh học, niken, rượu rum và xì gà.
Tháng 7/2020, quốc đảo này đã dỡ bỏ mức thuế 10% đối với việc sử dụng đồng USD, cũng như mở rộng danh sách mặt hàng được phép thanh toán bằng đơn vị tiền tệ này, trong nỗ lực ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch COVID-19 và lệnh cấm vận hiện hành của Mỹ gây ra.
Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ của Cuba sẽ được phép xuất nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ thông qua 37 doanh nghiệp nhà nước. Cuba cũng đã đưa ra các ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư tại Đặc khu Phát triển Mariel, nơi sẵn sàng đóng vai trò hàng đầu trong sự phát triển của Cuba với một khu thương mại tự do và một khu cảng thương mại lớn.