Ảnh Internet
Từ những tấm thẻ BHYT thời kỳ "tem phiếu" mang hình hài như những tờ tem phiếu thời đó, với loại giấy tối mầu, mực và công nghệ in thô sơ.
Rồi trải qua thời kỳ triển khai, bao phủ BHYT toàn quốc với mẫu thẻ BHYT được thiết kế nhỏ gọn, đầy đủ thông tin về danh tính, nhóm đối tượng, quyền lợi hưởng, giá trị sử dụng thẻ…; tích hợp nhận diện cá nhân và bước đầu có những nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin.
Và cho đến năm 2017, nhằm tiếp tục cải cách, tạo thuận lợi cho người tham gia, nâng cao hiệu quả quản lý Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thu thập thông tin hộ gia đình tham gia BHYT trên toàn quốc, sau đó cấp mã số định danh tham gia BHXH, BHYT cho từng người dân.
Mã số này là duy nhất với từng đối tượng và theo họ suốt cuộc đời. Hiện, mã số BHXH là 10 số cuối trong dãy 15 số in trên thẻ BHYT.
Với việc cấp mã số BHXH giúp ngành BHXH loại bỏ được tình trạng trùng thẻ BHYT, phục vụ công tác khám, chữa bệnh BHYT, tra cứu… của người tham gia ngày càng tốt hơn.
Từ cơ sở dữ liệu này và nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin của ngành BHXH, từ năm 2019, thẻ BHYT không còn ghi thời hạn sử dụng mà chỉ ghi ngày bắt đầu tham gia; người dân có thẻ sử dụng thẻ BHYT lâu dài và giá trị thẻ sẽ được cộng nối trên cơ sở dữ liệu, góp phần cải cách thủ tục hành, giảm chi phí in ấn, cấp đổi.
Từ tháng 4/2019, BHXH cũng đã triển khai dịch vụ Dịch vụ tin nhắn thông báo, tra cứu quá trình đóng, hưởng, giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp qua Tổng đài 8079.
Qua đó giúp người dân, người lao động chủ động hơn trong việc nắm bắt, cập nhật thông tin quá trình tham gia, thụ hưởng các chính sách; từ đó, cùng với cơ quan BHXH đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tham gia.
Ngoài ra, trên thẻ BHYT hiện nay còn tích hợp mã vạch QR-Code phục vụ công tác khám chữa bệnh tại các bệnh viện và tra cứu online của người tham gia qua các phần mềm tích hợp trên điện thoại thông minh.
Với những thay đổi đó, hiện nay, thẻ BHYT đã mang yếu tố điện tử, với thông tin chi tiết của thẻ BHYT được lưu giữ tại Trung tâm dữ liệu tập trung của ngành BHXH, các dữ liệu này sẽ được truy xuất khi người tham gia thực hiện các giao dịch như khám, chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ BHYT...
Nhờ thế, người tham gia cũng tự quản lý được việc sử dụng thẻ BHYT khi sau mỗi lần khám chữa bệnh sẽ nhận được 1 tin nhắn thông báo từ cơ quan BHXH, tránh tình trạng thẻ BHYT giả hoặc bị người khác lấy trộm mã thẻ của mình để đi khám, chữa bệnh nhằm trục lợi.
Có thể thấy, qua các thời kỳ phát triển của chính sách BHYT ở nước ta, tấm thẻ BHYT luôn được thay đổi, phản chiếu những cải cách, ứng dụng mới nhất để tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ tốt nhất cho người tham gia.
Những thay đổi đó cũng cho thấy những nỗ lực không ngừng của ngành BHXH trong cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai, thực hiện chính sách BHYT ngày càng tốt hơn.