Về xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam, BIC hiện đang đi đầu trong ngành bảo hiểm về hoạt động kinh doanh tại hải ngoại.
Tại Lào, BIC thành lập Liên doanh Bảo hiểm Lào Việt (LVI) từ năm 2008, liên doanh này đang đứng thứ 2 về thị phần tại đây và có tỷ suất sinh lời khá cao, chỉ tiêu lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2014 đạt 23,76%. Trong năm 2014, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của LVI đạt 11,5 triệu USD, tăng 28% so với năm 2013; lợi nhuận trước thuế đạt 1,36 triệu USD, tăng 82% so với năm 2013, trong đó lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt gần 684.000 USD.
Tại Campuchia, BIC thực hiện quản lý toàn diện hoạt động của Công ty Bảo hiểm Cambodia Việt Nam (CVI) từ năm 2009 theo ủy quyền của BIDV. Thị phần của CVI đứng thứ 4/7 công ty tại Campuchia. Tại Myanmar, văn phòng đại diện của BIC đã được thành lập để nghiên cứu khảo sát thị trường, đồng thời là đầu mối thu xếp để BIC nhận tái chỉ định tại thị trường này thông qua Công ty Bảo hiểm Myanmar.
Đại diện BIC cho biết, trong 3 thị trường trên, Công ty sẽ tập trung đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường Lào thông qua việc mở rộng mạng lưới, tăng vốn triển khai thêm kênh phân phối, sản phẩm mới…, nhằm rút ngắn khoảng cách với công ty đứng đầu và tối đa hóa lợi nhuận.
PTI cũng đã có mặt ở Lào từ vài năm trước bằng cách góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm LanxeXang. Năm 2014, với tốc độ tăng trưởng 150%, LaneXang vươn lên vị trí thứ 2 trên thị trường bảo hiểm Lào về doanh thu bán lẻ, trong đó 80% là bảo hiểm xe ô tô. Trong một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, với 14 công ty bảo hiểm được cấp phép và 8 công ty đang hoạt động, LaneXang đã khẳng định đường lối kinh doanh đúng đắn khi kiên định với chiến lược bán lẻ để xây dựng hệ thống đại lý rộng khắp tại tất cả các tỉnh, thành của Lào.
Ông Phạm Đức Hậu, Phó tổng giám đốc BIC kiêm Tổng giám đốc LVI cho biết, tại Lào, mức chi tiêu cho bảo hiểm còn thấp so với Việt Nam. Thị trường này tuy không lớn, nhưng đang có tốc độ tăng trưởng nhanh: năm 2007, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường chỉ đạt 21 triệu USD, năm 2013 đã tăng lên 80 triệu USD, năm 2015 dự kiến đạt 135 triệu USD.
Người dân ngày càng quan tâm tới bảo hiểm cũng như đặc thù rủi ro tại Lào đang mang lại thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Năm 2015, LVI phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh chính: tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt tối thiểu 14,5 triệu USD, thu hẹp dần khoảng cách với doanh nghiệp đứng đầu, lợi nhuận trước thuế đạt tối thiểu 1,6 triệu USD.
Trong nỗ lực tìm kiếm thị trường đầu tư mới, Bảo hiểm Bảo Việt và Bảo Minh đã có những bước hợp tác ban đầu với Công ty Bảo hiểm Dhipaya (Thái Lan) và Công ty Môi giới bảo hiểm ENC Plus (Hàn Quốc). Một số doanh nghiệp bảo hiểm khác cũng có những động thái tương tự nhằm vươn ra thị trường nước ngoài.
Trong những thị trường mà các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đã và đang đầu tư, thị trường bảo hiểm Lào khá có “duyên” với các nhà đầu tư Việt Nam, bởi hầu hết đều gặt hái được kết quả khả quan khi đầu tư vào thị trường này. Tuy nhiên, mang “chuông đi đánh xứ người” không phải thị trường nào cũng có được thành công như vậy.
Thị trường Campuchia dù được đánh giá là tiềm năng, nhưng theo các doanh nghiệp đang khai thác và chuẩn bị bước chân vào thị trường này thì chi phí để khai thác thị trường tương đối cao, có những yếu tố khá phức tạp.
Thị trường bảo hiểm Myanmar cũng được đánh giá là tiềm năng, BIC đã thành lập văn phòng đại diện, một số doanh nghiệp khác đang lên kế hoạch hiện diện tại đây. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành đánh giá, thị trường Myanmar đã mở cửa, nhưng cũng phải mất không ít thời gian mới có được những “quả ngọt” đầu tiên.