Bước ngoặt lớn
Đúng như thông tin đã được Thủ tướng Chính phủ công bố tại Hội nghị tổng kết 30 năm thu hút FDI, diễn ra tại Hà Nội vào đầu tháng 10/2018, hiện tại, Chính phủ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu và và sử dụng vốn FDI đến năm 2030 để báo cáo Bộ Chính trị xem xét thông qua.
Cách đây 2 ngày (ngày 14/1), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì một cuộc họp với các bộ, ngành và địa phương về đề án này. Thông tin cho biết, sau hơn 30 năm thu hút FDI, dù đạt được những thành tựu quan trọng, song tồn tại, hạn chế không phải là không có.
Trong bối cảnh ấy, việc Bộ Chính trị lần đầu tiên sẽ có một nghị quyết về sự chuyển hướng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả dòng vốn FDI trong giai đoạn tới được cho là có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở để thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp với quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập mà FDI mang lại.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, thu hút FDI trong thời gian tới nên tập trung theo hướng nào? Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị chủ trì xây dựng Đề án, cũng như Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị cho biết, quan điểm nhất quán vẫn phải là “coi khu vực FDI là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển và bình đẳng với các khu vực kinh tế khác”.
Nhưng để “nâng cấp” dòng vốn FDI, thì sẽ phải chuyển hướng hoạch định chính sách hợp tác FDI trên nguyên tắc chọn lọc, đa phương hóa, đa dạng hóa, đảm bảo tính độc lập, tự chủ, nhất quán và dài hạn nhằm tối ưu hóa lợi ích mà FDI mang lại cho nền kinh tế; hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích của nhà đầu tư trong khuôn khổ các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Và điều quan trọng, trong định hướng chiến lược, FDI phải trở thành “nhân tố quan trọng nâng cấp nền kinh tế Việt Nam” theo hướng hiện đại, tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, lần này, khi xây dựng Đề án Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và và sử dụng vốn FDI đến năm 2030, Bộ đã xác định các định hướng ưu tiên dựa trên cả ngành, lĩnh vực; địa bàn; thị trường và đối tác để đảm bảo thu hút được dòng vốn nước ngoài chất lượng nhất, đồng thời tối ưu hóa được lợi ích của dòng vốn này.
“Ví như với ngành, lĩnh vực, tuy vẫn thu hút đầu tư vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa. Bên cạnh đó, tập trung ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới, gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như trí tuệ nhân tạo (AI), tương tác thực tế ảo (AR) hay điện toán đám mây, kinh tế số, tự động hóa, y sinh…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Phải bắt đầu từ đâu?
Những dự thảo đầu tiên đã được xây dựng và được đưa ra lấy ý kiến công luận. Tuy nhiên, thông tin cho biết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khi góp ý về Đề án đã cho rằng, cần làm rõ hơn các quan điểm gần đây của dư luận về việc có chuyện ưu đãi quá mức cho doanh nghiệp FDI, hay chuyện có hai nền kinh tế trong một đất nước…
“Phải làm rõ những nội dung này để thiết lập quan điểm, giải pháp trong thu hút FDI, nhằm tăng cường nội lực khu vực kinh tế bản địa và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường”, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói và yêu cầu làm rõ những tác động của cách mạng công nghệ và sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trên thế giới, các hình thức mua bán - sáp nhập doanh nghiệp, cũng như làm rõ quyền lựa chọn của Việt Nam trong thu hút FDI…
Liên quan đến vấn đề này, GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư đã nhiều lần khẳng định rằng, phải đặt định hướng chiến lược mới trong thu hút FDI vào bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang biến đổi toàn cầu.
TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng, hiện có 3 xu hướng mới trên thế giới, đó là xu hướng công nghiệp 4.0; toàn cầu hóa và xu hướng đảo chiều với sự thay đổi tương quan sức mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới; ứng phó với biến đổi khí hậu.
“Những xu hướng này sẽ tác động đến các dòng đầu tư trong tương lai. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội, biến thách thức thành thế mạnh”, TS. Trần Đình Thiên nói.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh đó, Việt Nam phải tập trung thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực công nghệ cao, có quản trị hiện đại, nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0…
Để thực hiện các mục tiêu phát triển và tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, vượt qua “bẫy chi phí lao động thấp”, “bẫy giá trị thấp”, “bẫy công nghệ thấp” và “bẫy thu nhập trung bình”, thì định hướng thu hút và sử dụng FDI phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững, khuyến khích đổi mới sáng tạo và liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước.
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư