Báo cáo tài chính bán niên 2018 của Lộc Trời cho thấy những chuyển động lớn trong chiến lược của Tập đoàn. Cụ thể, doanh thu ngành thuốc bảo vệ thực vật tăng nhẹ đạt 2.569 tỷ đồng, ngành lương thực – gạo tăng hơn gấp đôi cùng kỳ, đạt 2.838 tỷ đồng, ngành hạt giống cây trồng tăng nhẹ đạt 402 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh 3 ngành chủ lực của Lộc Trời đã phản ánh rõ nét định hướng mà ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn trình bày tại đại hội đồng cổ đông năm 2018.
Theo đó, doanh nghiệp sẽ giảm dần tỷ trọng mảng thuốc bảo vệ thực vật trong tổng doanh thu theo đúng định hướng chiến lược là cung cấp giải pháp bảo vệ và nuôi dưỡng cây trồng theo hướng hữu cơ sinh học, phù hợp với chủ trương giảm dần sử dụng hóa chất trong nền nông nghiệp của Việt Nam của Bộ NN&PTNT.
Tập trung vào mảng gạo. Duy trì diện tích liên kết là 30.000 ha và tập trung vào sản xuất sản phẩm gạo giá trị gia tăng có thương hiệu; từ đó nâng tỷ trọng mảng này trong doanh thu lên 50% từ mức dự kiến là 30% trong năm nay. LTG sẽ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng và đây là môt sự thay đổi quan trọng trong chiến lược của công ty.
Lấy mẫu lúa trước khi thu hoạch.
Phát triển mảng giống cây trồng, phát huy tối đa năng lực và hiệu quả đội ngũ kỹ sư nông nghiệp 3 Cùng - bạn của nhà nông và kênh phân phối đã được gây dựng ở mảng thuốc bảo vệ thực vật.
Tại khu vực ĐBSCL, diện tích canh tác lúa chính chiếm 55% tổng sản lượng hàng năm, chỉ 50% hạt giống là mua còn lại là hạt giống do người nông dân tự giữ lại từ vụ trước.
Bộ NN&PTNT muốn nâng tỷ trọng hạt giống thương mại đáp ứng nhu cầu lên 80% vào năm 2020. LTG hiện có thị phần hạt giống thương mại là 9,5% và hạt giống lúa là 20%.
Nhưng nhìn một cách tổng thể, cả 3 ngành trên đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, ngành này phát triển sẽ kéo theo ngành khác tăng trưởng, trong đó ngành lương thực – gạo sẽ là một thế mạnh riêng biệt của Lộc Trời với việc áp dụng tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP vào vùng nguyên liệu.
Thực tế mô hình hợp tác của Lộc Trời với nông dân đã cho thấy rõ điều đó, nhưng quan trọng hơn là mô hình này cho phép sản xuất nông sản chất lượng cao, đáp ứng an toàn thực phẩm trong ngành nông nghiệp Việt Nam và cả đối với quốc tế.
Ap dụng tiêu chuẩn bền vững quốc tế SRP vào sản xuất nông sản.
Ông Trần Văn Sữa, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã dịch vụ, sản xuất & thương mại nông nghiệp Hương Trang (Long An) chia sẻ, từ 150 hộ dân cùng 388 hecta tham gia vào Hợp tác xã từ 2016, đến nay, con số này đã nâng lên 169 hộ, canh tác trên 500 hecta.
Ban đầu, với mục tiêu thành lập hợp tác xã chỉ nhằm tập trung sự hỗ trợ kỹ thuật từ các kỹ sư Lực lượng 3 Cùng của tập đoàn Lộc Trời trong việc quản lý dịch hại đồng ruộng cũng như phối hợp liên kết tiêu thụ lúa cho công ty lương thực Long An.
Tuy nhiên, hiệu quả từ mô hình hợp tác xã liên kết với Lộc Trời thu hút ngày càng nhiều hộ dân muốn tham gia. Cụ thể, thay vì đầu mùa vụ nông dân phải tự trang trải nguồn giống và những vật tư, thì hiện nay, Lực lượng 3 Cùng sẽ hỗ trợ trong việc cung cấp nguồn giống chất lượng và ứng trước vật tư nông nghiệp đến tận nhà cho bà con.
Đồng thời, công ty đảm bảo đầu ra với mức giá được thỏa thuận đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Lộc Trời và hợp tác xã trước thời điểm thu hoạch.
Đại diện này cũng cho biết, khi hợp tác với Lộc Trời, nhờ lợi chi phí từ các vật tư ứng trước ban đầu dẫn đến giá thành sản xuất 1 kg lúa chỉ khoảng 2.700 đồng, trong khi giá bán trung bình là 5.000 đồng/kg. Đây chính là cơ sở để ngày càng nhiều hộ dân muốn tham gia vào Hợp tác xã. Khi năng suất lúa trung bình trên mỗi hecta đạt 6,5- 7 tấn/vụ, muốn tăng thêm lợi nhuận, ông Sữa cho rằng chỉ còn cách giảm chi phí đầu vào.
“Những hộ dân ngoài hợp tác xã vẫn hợp tác bán lúa cho thương lái nhưng dễ gặp tình trạng bị ép giá hoặc không đến mua, dù lúa đã chín mà chưa kịp thu hoạch. Với cách làm hiện tại của Hương Trang, bà con nông dân làm lúa ngày càng phấn khởi” – Ông cười bật mí tiếp: “Từ nay đến 2020, theo kế hoạch hợp tác với Lộc Trời, chúng tôi sẽ tập hợp diện tích canh tác thêm 1.000 hecta”.
Mô hình kinh doanh gắn bó chặt chẽ và cùng chia sẻ lợi ích với người nông dân đã đang tiếp tục tạo ra nhiều lợi thế riêng cho Lộc Trời.
Cùng với sự quyết tâm chuyển mình trong giai đoạn mới, Lộc Trời đang dần hoàn tất chương trình tái cấu trúc và nâng cao năng lực hệ thống đầy tham vọng của mình. Song song đó, công ty dự kiến sẽ mở rộng sang các sản phẩm hàng tiêu dùng.
Những sản phẩm của thương hiệu Gạo Hạt Ngọc Trời, đặc biệt là các sản phẩm gạo đóng túi và gạo mang giá trị dinh dưỡng cao như gạo mầm VIBIGABA sẽ có mặt ngày càng nhiều hơn trên thị trường để đi đến tay người tiêu dùng với kỳ vọng trở thành sản phẩm thiết yếu của người dân cả trong, ngoài nước.
Muốn vậy, Lộc Trời sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa và tập trung đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho hạt gạo. Biết là khó nhưng với niềm tin kiên định và nguồn lực nội tại, việc hiện thực hóa khát vọng nâng cao vị thế hạt gạo Việt Nam chắc chắn sẽ không còn xa.
Trải qua 25 năm phát triển, Lộc Trời đã vươn lên trở thành tập đoàn nông nghiệp đầu ngành của Việt Nam. Với hệ thống được quản trị và vận hành một cách chuyên nghiệp, tập đoàn Lộc Trời đã sẵn sàng cho một sự phát triển mạnh mẽ trước những xu hướng lớn của thị trường, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm về sức khỏe và chú trọng vào vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đó là thách thức và cũng chính là cơ hội cho Lộc Trời khi bước vào tham gia trong nền sản xuất nông nghiệp hướng đến quy mô lớn.
Cùng với định hướng mở rộng và sâu hơn trong chuỗi giá trị lúa gạo, bước ngoặc chiến lược trong hướng đi xây dựng thương hiệu nông sản của Lộc Trời dựa trên nền tảng chia sẻ lợi ích với người nông dân sẽ tiếp tục là đôi cánh giúp thương hiệu Lộc Trời tiếp tục vươn xa hơn trong tương lai.