>> Giải thể CK Sao Việt, cổ đông ước được chia 7.000 đồng/CP
SVS có kế hoạch giải thể
Giải thể nhằm chấm dứt hoạt động, chia tài sản cho cổ đông khi SVS hoạt động không hiệu quả dường như là lựa chọn hợp lý trong thời điểm này.
Ngày 4/9 tới, SVS sẽ họp ĐHCĐ bất thường để thông qua phương án giải thể và phương án thanh lý tài sản. Công ty này được thành lập vào giai đoạn TTCK sốt nóng (2006 - 2007), sau đó tăng vốn lên 135 tỷ đồng. 3 năm gần đây, SVS liên tục thua lỗ, trong đó năm 2010 lỗ 21 tỷ đồng, năm 2011 lỗ 38 tỷ đồng, năm 2012 lỗ 34 tỷ đồng. Ngày 10/5, cổ phiếu SVS đã bị hủy niêm yết trên HNX.
SVS dự kiến giải thể, chia tiền cho cổ đông khoảng 7.000 đồng/CP
Trong số các cổ đông pháp nhân của SVS có CTCP Phát triển Đô thị Sông Đà, sở hữu 3 triệu cổ phần; CTCP Phát triển Đô thị Từ Liêm (NTL) sở hữu 550.000 cổ phần. Ngay từ năm 2011, ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch NTL đã thừa nhận, việc góp vốn thành lập CTCK là một sai lầm, NTL sớm nhận ra điều đó và không thực hiện quyền mua cổ phần SVS phát hành thêm.
Ông Đinh Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT SVS cho biết, với triển vọng của TTCK, cổ đông lớn của SVS nhận thấy, giải thể Công ty sớm chừng nào sẽ có lợi cho cổ đông chừng ấy. Điểm thuận lợi của SVS là CTCK hiện không có vướng mắc gì về công nợ phải trả, số tài khoản khách hàng mở tại đây cũng đã cơ bản tất toán, người lao động đồng ý với phương án thanh lý hợp đồng được Công ty đưa ra. Với tính toán của Ban lãnh đạo DN, cổ đông SVS sẽ được chia tiền mặt khoảng 5.000 đồng/CP trong đợt 1. Đợt tiếp theo, sau khi bán hết tài sản, cổ đông sẽ được chia tiếp 2.000 đồng/CP.
Sau khi tổ chức ĐHCĐ bất thường thành công, SVS sẽ làm thủ tục thông báo giải thể Công ty và gửi hồ sơ trình UBCK xin chấp thuận phương án giải thể. Theo các quy định hiện hành, SVS sẽ phải giải quyết nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, mời cơ quan thuế tiến hành quyết toán thuế và các khoản thanh toán với Ngân sách Nhà nước, thanh lý hợp đồng lao động đối với cán bộ - nhân viên…
“Hy vọng rằng, với một CTCK ‘sạch’ như SVS, thời gian xử lý các đầu việc trên sẽ nhanh gọn hơn”, ông Chiến nói.
Sau khi được sự chấp thuận của UBCK về phương án giải thể, đã có quyết toán thuế và báo cáo tài chính được kiểm toán, SVS sẽ tiến hành thanh toán hết các khoản nghĩa vụ với ngân sách, với người lao động. Số tiền mặt còn lại được tạm ứng đều cho các cổ đông hiện hữu. Nếu tiến trình giải thể được đẩy nhanh, thì đầu năm 2014, cổ đông SVS sẽ nhận được tiền.
Vướng mắc của hai CTCK trước đó
Trước SVS, hai CTCK khác là Âu Việt và Chợ Lớn đã nộp hồ sơ xin giải thể lên UBCK. Đã vài tháng trôi qua, song tính đến thời điểm này, chưa có công ty nào hoàn tất các thủ tục theo quy định để UBCK có thể xem xét ra quyết định chấp thuận chính thức. Một trong những vướng mắc được CTCK nêu ra là khó tất toán tài khoản của NĐT, do một bộ phận NĐT không mặn mà đến giải quyết. Trong khi đó, cổ đông CTCK rất sốt ruột khi tiến trình giải thể công ty chậm trễ, gây lãng phí thêm tiền bạc của họ.
Liên quan đến những vướng mắc khi thực hiện giải thể CTCK, theo lãnh đạo UBCK, cơ quan này chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của 2 CTCK đã nộp hồ sơ nhằm xin tháo gỡ và tìm hướng giải quyết. Về phần mình, UBCK sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các CTCK chủ động tái cơ cấu, trong đó có phương án giải thể. Hiện nay, cách thức thực hiện giải thể CTCK đã được quy định đầy đủ, nếu trong quá trình thực hiện, CTCK gặp khó khăn thì cần sớm kiến nghị tới UBCK để tìm hướng giải quyết.
Hiện tại, ngoài CTCK Âu Việt, Chợ Lớn và tới đây là Sao Việt tự nguyện nộp hồ sơ xin giải thể, trên thị trường còn nhiều CTCK hoạt động lay lắt, thậm chí không còn hoạt động. Lựa chọn phá sản hay giải thể CTCK không phải việc làm đơn giản. Tuy nhiên, quyết định dứt khoát để hạn chế bớt thiệt hại là việc làm mà cổ đông những CTCK yếu nên sớm xem xét thực hiện.