Ngày 10/8 đánh dấu một sự kiện lịch sử trên TTCK Việt Nam khi Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng Bộ trưởng Bộ Tài chính và các lãnh đạo ngành chính thức khai trương TTCK phái sinh. Khởi đầu với 4 mã hợp đồng tương lai chỉ số VN30, sự kiện này vẫn thu hút được sự chú ý rộng rãi của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Sự ra đời của chứng khoán phái sinh hướng tới mục tiêu cung cấp công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng sự mới mẻ của thị trường này khiến không ít nhà đầu tư e ngại. Đặc biệt, tính đòn bẩy cao một mặt tạo mức sinh lời tốt hơn khi “bắt đúng sóng”, mặt khác cũng khiến tài khoản của nhà đầu tư dễ “cháy” hơn nhiều so với đầu tư trên cổ phiếu cơ sở.
Trước giờ TTCK phái sinh khai mở, có 2.450 tài khoản sẵn sàng giao dịch. Môi giới tại một số CTCK cho biết, họ liên tục nhận được điện thoại, email, tin nhắn của khách hàng hỏi và trao đổi các thông tin liên quan đến hợp đồng, cách thức giao dịch của thị trường mới.
2 phiên giao dịch đầu tiên (10-11/08) chứng kiến 1.102 hợp đồng tương lai được khớp lệnh thành công, giá trị đạt 82,4 tỷ đồng. Như vậy, lượng hợp đồng khớp lệnh đạt 0,45 hợp đồng/tài khoản cho thấy, ngay cả những nhà đầu tư tiên phong vẫn muốn ngắm thị trường trước khi chính thức rót vốn.
Quan sát kỹ hơn sẽ thấy có sự phân hóa trong xu hướng chỉ số giao dịch tại các kỳ hạn hợp đồng. Việc thị trường phái sinh khai mở ngay sau khi VN30 trải qua phiên giao dịch mất điểm mạnh (giảm lên đến 2,25%), như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mô tả, là mất 2 tỷ USD vốn hóa, làm cho chỉ số tham chiếu của mã Hợp đồng đáo hạn tháng 8 (VN30F1708) cao hơn đáng kể so với chỉ số VN30, cùng với việc hợp đồng này chỉ còn 1 tuần đến thời điểm đáo hạn (17/08) dẫn đến áp lực giảm điểm, hội tụ về chỉ số cơ sở là tất yếu. Trong khi ở các kỳ hạn dài hơn, sắc xanh chiếm ưu thế, phản ánh kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư trong trung hạn về thị trường.
Hợp đồng VN30F1708 - mã có kỳ hạn ngắn nhất, chiếm ưu thế gần như tuyệt đối với 80% khối lượng giao dịch, còn các mã hợp đồng kỳ hạn dài đáo hạn tháng 12/2017 và tháng 3/2018 lại có khối lượng khá thấp. Thực tế này có thể đến từ tâm lý lo ngại thanh khoản thấp trong giai đoạn đầu, có thể khiến nhà đầu tư không mua/bán đối ứng để đóng vị thế thành công, khi đó, lựa chọn hợp đồng đáo hạn sớm sẽ phần nào giúp phòng ngừa rủi ro nếu thị trường biến động không như kỳ vọng.
Điểm đáng chú ý là chỉ số cơ sở VN30 không phải danh mục là cố định, mà được Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) rà soát định kỳ 6 tháng/lần hoặc điều chỉnh khi xảy ra sự kiện bất thường. Chẳng hạn, trong lần rà soát mới nhất, ngày 17/07, HOSE đã thêm 3 mã cổ phiếu gồm NVL, SAB và ROS, trong khi loại là HAG, HNG và ITA. 3 cổ phiếu mới được thêm vào danh mục là những mã có vốn hoá trên 1 tỷ USD, ảnh hưởng lớn đến khối lượng và giá trị giao dịch của VN-Index.
Với xu hướng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết hiện nay, sẽ có nhiều công ty, tập đoàn lớn lên sàn, khiến danh mục VN30 còn có sự xáo trộn mạnh. Nhà đầu tư vì thế cần dự báo mỗi kỳ rà soát danh mục chỉ số tham chiếu và xây dựng chiến lược phòng ngừa rủi ro phù hợp, mới có thể tự tin “chiến đấu” trên TTCK phái sinh.