Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán nhìn nhận, để hiện thực hóa ý tưởng trên không đơn giản và nếu không cẩn trọng sẽ can thiệp vào quyền tự chủ, tự quyết của DN. Thông lệ quốc tế cho thấy, không quốc gia nào ép DN phải mở room cho NĐT nước ngoài, mà quyết định này thuộc về những ông chủ góp vốn vào DN. Đây là luật chơi sòng phẳng của thị trường, do đó Nhà nước không nên can thiệp.
Sở dĩ, việc trao quyền cho DN nới room ở các nước thực hiện suôn sẻ, không bị vướng mắc nhiều là bởi điều kiện kinh doanh, hệ thống ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các quốc gia khác không quá phức tạp như tại Việt Nam. Do đó, các DN dễ dàng nới room, mà không phải tốn thời gian rà soát các điều kiện kinh doanh như các DN Việt Nam đang phải tiến hành.
Để thúc đẩy DN nới room, giải pháp có tính khả thi và phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh hiện tại là rà soát để tiết giảm tối đa ngành nghề kinh doanh có điều kiện, qua đó mở rộng không gian nới room cho DN. Chẳng hạn, nếu hiện có 100 ngành nghề đang hạn chế nới room đối với NĐT nước ngoài, thì nên rà soát để giảm xuống còn 70 ngành, 50 ngành, hay 30 ngành...
Giới chuyên gia nhìn nhận, thông lệ quốc tế tại nhiều nước cho thấy, họ có rất ít ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Điều này đồng nghĩa với việc các ngành nghề không thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện, NĐT nước ngoài được sở hữu tối đa vốn của DN nước sở tại. Thậm chí, để tạo sự thông thoáng cho nới room, tại những DN hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cơ quan quản lý vẫn ấn định tỷ lệ room nước ngoài có thể cao hơn mức trung bình của ngành này… Đây là kinh nghiệm Việt Nam nên học hỏi.
Giới đầu tư và chuyên gia đang kỳ vọng, việc Chính phủ đang quyết liệt rà soát để cắt giảm mạnh điều kiện kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng cho DN, cũng như quyết tâm hoàn thiện việc ban hành chi tiết các điều kiện kinh doanh được quy định khung tại Luật Đầu tư trước ngày 1/7/2016, sẽ góp phần gỡ tắc cho nới room trong thời gian tới.
Tuy nhiên, nới room chỉ là một trong những giải pháp để thu hút vốn ngoại. Nghĩa là ngay cả khi giải pháp kỹ thuật cho câu chuyện này có lời giải tối ưu, rất có thể dòng vốn ngoại vẫn chưa chảy mạnh vào TTCK Việt Nam, nếu nhiều hạn chế hiện tại theo phản ánh của NĐT ngoại chậm được khắc phục như: kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, vững chắc; hệ thống pháp lý bảo vệ NĐT chưa cao; tính minh bạch của thị trường chậm được cải thiện, nhất là các DN niêm yết; hệ thống kế toán chưa tương thích với chuẩn quốc tế…