Bước đầu luật hóa báo cáo phát triển bền vững

Bước đầu luật hóa báo cáo phát triển bền vững

(ĐTCK) Theo chia sẻ của bà Christine Koblun, Điều phối viên quan hệ mạng lưới, Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu (GRI), việc luật hóa quy định các DN phải lập báo cáo phát triển bền vững đã mang lại nhiều hiệu ứng tích cực tại nhiều quốc gia trên thế giới. Học hỏi kinh nghiệm trên, Việt Nam đang tính bước đầu luật hóa vấn đề này.

Thêm công cụ minh bạch

“GRI là một tổ chức phi lợi nhuận, chuyên đề xuất các hướng dẫn, cung cấp cho các bên liên quan những công cụ giúp họ trở nên minh bạch hơn. Báo cáo phát triển bền vững là một trong những công cụ như vậy. Báo cáo này vừa giúp DN minh bạch hơn trong việc công bố thông tin, vừa hỗ trợ các bên có nhu cầu tiếp cận thông tin có thể hiểu sâu về hiện trạng hoạt động của DN”, bà Christine Koblun đã chia sẻ như vậy tại khóa đào tạo về báo cáo phát triển bền vững cho giới truyền thông, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cùng Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP. HCM phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và GRI tổ chức.

Các đề xuất về cách thức lập báo cáo phát triển bền vững của GRI liên tục được cải tiến. Theo đó, G4 là phiên bản mới nhất, vừa được ban hành năm 2013. Các chuẩn mực này được GRI đưa ra ở dạng khuyến nghị, khuyến khích các tổ chức kinh doanh trên toàn thế giới áp dụng.

Theo chuyên gia của GRI, nhờ nỗ lực thúc đẩy của các bên liên quan mà trên phạm vi toàn cầu, số lượng báo cáo phát triển bền vững được lập đang tăng rất nhanh. Nếu như năm 2004, chỉ có khoảng 250 báo cáo, thì đến năm 2013, con số này đã tăng lên hơn 4.000.

Giai đoạn 2010 - 2013, nếu ở các thị trường phát triển (theo đánh giá của MSCI) ghi nhận tốc độ tăng số lượng báo cáo phát triển bền vững là 73%, thì tỷ lệ này ở các thị trường đang phát triển là 124%. GRI dự báo, tốc độ gia tăng số lượng báo cáo phát triển bền vững sẽ còn mạnh hơn trong thời gian tới trên phạm vi toàn cầu.

Theo bà Christine Koblun, vì báo cáo phát triển bền vững ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy các DN gia tăng minh bạch thông tin, nên nhiều nước đã luật hóa quy định bắt buộc các DN phải lập báo cáo phát triển bền vững, chẳng hạn như Nam Phi. Đây là lý do chính khiến cho tốc độ tăng số lượng báo cáo phát triển bền vững tại nước này trong giai đoạn 2009 - 2013 đạt tới 483%. 

Việt Nam đang tính chuyện luật hóa

Kinh nghiệm từ các thị trường phát triển cho thấy, mức độ minh bạch thông tin của DN, cũng như tính hiệu quả trong việc bảo vệ cổ đông nhỏ, lẻ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của TTCK.

Thực tế đã chứng minh, cả hai yếu tố này sẽ dần được cải thiện khi DN quan tâm nhiều hơn tới việc lập báo cáo phát triển bền vững. Lý do là bởi khi DN lập và định kỳ công khai báo cáo này thì sẽ gia tăng cơ hội cho các bên tiếp cận thông tin về DN, thêm vào đó, theo bà Christine Koblun, quan trọng nhất là mở ra một không gian đối thoại minh bạch giữa DN và cổ đông, nhà đầu tư, cũng như các bên quan tâm tới thông tin về DN. Trách nhiệm giải trình được đề cao sẽ giúp các bên xây dựng được lòng tin.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy, trong quá trình xây dựng Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 52/2012 hướng dẫn về công bố thông tin trên TTCK, UBCK đã đề xuất bổ sung một số nội dung mới liên quan đến báo cáo phát triển bền vững.

Cụ thể, ở phần phụ lục về báo cáo thường niên của Dự thảo, UBCK đề xuất bổ sung nội dung mới vào 2 mục là tình hình hoạt động trong năm và báo cáo, đánh giá của ban giám đốc.

Cả 2 phần này phải bổ sung báo cáo/đánh giá liên quan đến môi trường và xã hội của công ty, với 3 nội dung gồm: báo cáo/đánh giá liên quan đến các chỉ tiêu môi trường (tiêu thụ nước, năng lượng, phát thải,...); báo cáo/đánh giá liên quan đến vấn đề người lao động (số lượng lao động, mức lương trung bình đối với người lao động, chính sách lao động, hoạt động đào tạo người lao động); báo cáo/đánh giá liên quan đến trách nhiệm của DN đối với cộng đồng địa phương.

Chia sẻ về thách thức mà các nước trên thế giới phải đối mặt khi luật hóa quy định DN phải lập báo cáo phát triển bền vững, bà Christine Koblun cho rằng, nhà quản lý muốn DN ngày càng minh bạch hơn nhưng bản thân DN thì không muốn như vậy. Bí quyết là tìm ra điểm cân bằng lợi ích giữa hai bên. Quá trình này không hề đơn giản, nên cơ quan quản lý cần có lộ trình thích hợp và kiên trì thực hiện.

Tin bài liên quan