Ngày 19/6 vừa qua, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) đã công bố thông tin về ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến thông qua phương án hợp nhất với CTCP Chứng khoán Phương Nam (PNS). Đây là thông tin không mới, khi những dự báo về khả năng SBS sẽ hợp nhất/sáp nhập với PNS đã râm ran trên thị trường gần 2 tháng trước. Tuy nhiên, với động thái trên, bài toán tìm hướng đi cho SBS sau tái cấu trúc giai đoạn 1 (tái cấu trúc tài sản, hoạt động) đã chính thức có lời giải.
Nếu SBS của hơn 1 năm về trước phải chống chọi với nợ nần, thì câu chuyện của hơn nửa năm trở lại đây lại là làm sao bước qua được cánh cửa pháp lý về chỉ tiêu an toàn tài chính - điều kiện để tiếp tục hoạt động, ngay cả khi Công ty đã có thể tự nuôi sống mình. Đối với một CTCK đã thua lỗ đến âm vốn chủ sở hữu như SBS, hợp nhất với PNS là hướng đi xóa được “vết đen” lỗ lũy kế, mà không làm mất đi những giá trị vô hình của Công ty như: lượng khách hàng lớn, nguồn nhân lực… Đó là những giá trị mà nếu một CTCK khác gây dựng mới sẽ mất rất nhiều công sức, tiền bạc, nhưng sẽ chẳng là gì nếu SBS phá sản, dừng hoạt động.
Câu chuyện của SBS khiến thị trường liên tưởng đến một “ông lớn” khác trong lĩnh vực chứng khoán là CTCP Chứng khoán MB (MBS). Mặc dù vốn chủ sở hữu vẫn còn rất lớn, nhưng với số lỗ lũy kế đến cuối quý I/2013 là 537 tỷ đồng, MBS sẽ phải mất nhiều thời gian để làm sạch BCTC và thực hiện niêm yết cổ phiếu như lời hứa với các cổ đông từ mấy năm trước. Đầu tháng 6 vừa qua, MBS đã công bố thông tin về việc lấy ý kiến cổ đông thông qua phương án hợp nhất với một CTCK khác. Động thái này của MBS, sau khi đã thành công trong việc tái cấu trúc toàn diện hoạt động, tài sản, được cho là để giải quyết câu chuyện mang tính chất… sổ sách, giấy tờ.
Tuy nhiên, dù là mục đích nào, thì hệ quả rõ ràng nhất sau quá trình tái cấu trúc SBS, MBS chính là tạo nên những CTCK mạnh khỏe hơn. Hệ quả tiếp theo của việc này là giảm số lượng CTCK, như kỳ vọng của công chúng đầu tư khi UBCK bắt đầu xây dựng đề án tái cấu trúc khối DN này.
Cũng trong tháng 6, hai CTCK bị UBCK yêu cầu ngừng hoạt động là CTCP Chứng khoán Golden Brigde (GBS) và CTCP Chứng khoán SME do không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và vi phạm các quy định khác, nối tiếp sự ra đi của CTCK Tràng An, CTCK Trường Sơn, CTCK Hà Nội, CTCK Delta (Cao Su). Như vậy, hơn 1 năm sau khi Thông tư 226/2010/TT-BTC về an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính có hiệu lực đầy đủ, mục tiêu tái cấu trúc, sàng lọc CTCK yếu kém đã những có kết quả đầu tiên. Sáu tháng cuối năm, dự báo những bước chuyển này còn tiếp tục và có thể sẽ có thêm những cái tên CTCK biến mất trên thị trường.