LCG: chuyển lỗ sang lãi
Trong 10 DN ngành xây dựng nhà niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), gây ấn tượng nhất về mức tăng trưởng lợi nhuận cũng như doanh thu trong 6 tháng đầu năm là CTCP Licogi 16 (LCG). Theo đó, 6 tháng đầu năm, LCG đạt 436 tỷ đồng doanh thu, tăng 425% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 12,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 60 tỷ đồng, hoàn thành tương ứng 32% và 72% kế hoạch năm.
Mặc dù vậy, tính đến ngày 30/6/2014, LCG vẫn có khoản lỗ lũy kế 268 tỷ đồng, do trong 2 năm 2012 và 2013 Công ty lỗ. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sau thuế của Công ty âm trong 2 năm qua, đặc biệt là năm 2013 ghi nhận khoản lỗ tới 308 tỷ đồng, là do lợi nhuận gộp quá mỏng, không đủ bù đắp các chi phí khác, trong khi phải trích lập các khoản dự phòng và ghi nhận truy thu thuế.
Tuy nhiên, các khoản lỗ của LCG trong năm 2013 là các chi phí không lặp lại trong tương lai. Do đó, với kết quả đạt được trong nửa đầu năm, cộng thêm việc sẽ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ việc hoàn thành 2 gói thầu của Dự án Formosa; lợi nhuận từ việc chuyển nhượng Dự án Sky Park Residence và hoàn nhập các khoản dự phòng (khoản phải thu khó đòi 19,5 tỷ đồng; dự phòng hàng tồn kho công trình Bản Chát 9,7 tỷ đồng; khoản phạt chậm nộp thuế 64,2 tỷ đồng), nhiều khả năng LCG sẽ hoàn thành vượt kế hoạch năm.
CTD, HDG: duy trì tốc độ tăng trưởng
CTCP Xây dựng Cotex (CTD) và CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) tăng trưởng khá tốt cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong 2 năm 2012, 2013.
6 tháng đầu năm 2014, CTD và HDG ghi nhận doanh thu thuần lần lượt đạt 2.849 tỷ đồng và 570 tỷ đồng, tăng tương ứng 26% và 125% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận sau thuế đạt 155,4 tỷ đồng và 27,5 tỷ đồng.
Điểm chung ở hai đơn vị này là đều có tình hình tài chính lành mạnh, không có nợ vay. Thời điểm 30/6/2014, CTD có số dư tiền mặt hơn 525 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn 1.195 tỷ đồng. Công ty không có nợ vay, vốn lưu động chủ yếu được tài trợ từ vốn chủ sở hữu, hệ số nợ/tổng tài sản ở mức thấp 45%.
Với HDG, cuối quý II/2014, hệ số nợ/tổng tài sản là 61%, ở mức an toàn. Tuy nhiên, thực chất khoản nợ vay chịu lãi chỉ có 16,3 tỷ đồng (chiếm 1% tổng tài sản), còn lại chủ yếu là khoản tạm ứng của khách hàng (đạt 872 tỷ đồng, chiếm 41% tổng tài sản) do Công ty chưa bàn giao nhà của Dự án N10 Hà Đô Park view. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, HDG sẽ ghi nhận 60% doanh thu, lợi nhuận từ dự án này.
Với vị thế và tiềm lực tài chính vững mạnh, CTD và HDG là những điểm sáng trong ngành xây dựng nhà nói riêng và trong các DN niêm yết nói chung. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/8, cổ phiếu CTD của Cotex tăng trên 20% so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu HDG của Hà Đô cũng gây ấn tượng với mức tăng gần 85% từ 15.000 đồng/CP (2/1/2014) lên 27.700 đồng/CP (28/8/2014).
Vẫn còn nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hoạt động xây dựng tăng mạnh trong năm 2013, giá trị sản xuất xây dựng (theo giá so sánh) tăng 6,2% so với năm 2012. Điều này cho thấy, ngành xây dựng bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, là cơ hội để các DN ngành này phát triển sản xuất - kinh doanh.
Tuy nhiên, DN trong ngành vẫn còn đối mặt gánh nặng hàng tồn kho và tình trạng thiếu vốn. Tính đến cuối quý II/2014, lượng hàng tồn kho của 10 DN ngành xây dựng nhà niêm yết trên HOSE đạt 5.234 tỷ đồng, nợ vay xấp xỉ 3.660 tỷ đồng. Trong đó, HBC có nợ vay lớn nhất là 1.433 tỷ đồng; HDG có lượng hàng tồn kho lớn nhất, đạt 1.020 tỷ đồng.
Với cơ cấu đặc thù ngành cần lượng vốn lớn, dự án thường kéo dài 2 - 3 năm, trong khi vốn tự có của DN thấp, cộng thêm những bất cập trong việc tái cơ cấu nguồn vốn (thoái vốn, cơ cấu các khoản vốn vay ngắn hạn, cơ cấu nợ…) và việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng cũng như huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân gặp khó khăn, là những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư của các DN ngành xây dựng.