Ông Steven Brown - Giám đốc Bán hàng Định chế Việt Nam, Mirae Asset Securities.
Việt Nam từ lâu đã trở thành một trong những điểm đến ưa thích nhất trên thế giới đối với dòng vốn đầu tư đến từ Hàn Quốc. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hàn Quốc vào Việt Nam rất lớn (như Samsung là nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam, đã đầu tư khoảng 19 tỷ USD vào Việt Nam) và hàng tỷ USD đầu tư thông qua kênh đầu tư gián tiếp (FII) vào các cổ phiếu niêm yết của Việt Nam, kể từ năm 2005, hơn 70 thương vụ M&A đã được thực hiện.
Năm 2018, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam của nhà đầu tư Hàn Quốc đã vượt 2,2 tỷ USD. Tổng các thương vụ M&A có sự kết nối của nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam hiện đạt hơn 5 tỷ USD. Hậu Covid-19, các nền kinh tế mở cửa trở lại, tốc độ dòng vốn FDI, FII và hoạt động M&A liên quan đến các công ty Hàn Quốc quan tâm đến Việt Nam cũng ngày càng tăng cao.
Trên thực tế, quy mô các thương vụ M&A ngày càng lớn và các cơ hội giao dịch chưa bao giờ đa dạng như hiện nay, nhờ sự phát triển kinh tế của Việt Nam và tăng trưởng GDP bình quân đầu người mạnh mẽ. Cùng với sự trỗi dậy của quốc gia, người Việt Nam cũng ngày càng trở nên mạnh mẽ, biết bảo vệ môi trường và năng lượng, độc lập về tài chính và có ý thức về sức khỏe. Cơ hội M&A trong các lĩnh vực này đang tăng rất cao trên thị trường.
Các nhà đầu tư Hàn Quốc thể hiện sự sẵn sàng tham gia các khoản đầu tư lớn liên kết và hỗ trợ tiêu dùng nội địa ngày càng tăng của Việt Nam. Các dịch vụ tài chính, dược phẩm, y tế và sức khỏe nằm trong các lĩnh vực đầu tư được ưa chuộng. Họ cũng đã đầu tư vào các doanh nghiệp có các hoạt động xuất khẩu.
Thực ra, các hoạt động M&A tại Việt Nam chỉ bắt đầu vào đầu những năm 1990. Trước giai đoạn này, không có hoạt động hoặc thương vụ đáng kể về mặt tài chính nào được ghi nhận. Mọi việc bắt đầu thay đổi vào đầu những năm 2000 cùng với sự phát triển của thị trường vốn Việt Nam, sự phát triển của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán và ngày càng nhiều doanh nghiệp địa phương thành công thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế.
Nhận định từ các doanh nghiệp Hàn Quốc cho thấy, hoạt động M&A tại Việt Nam theo truyền thống là lĩnh vực được các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc quan tâm đầu tư. Ví dụ, SK Group, tập đoàn lớn thứ hai tại Hàn Quốc là công ty tiên phong trong trong lĩnh vực M&A tại Việt Nam. Tập đoàn này đã đầu tư vào rất nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, từ PV Oil (thông qua SK Energy), Masan Group và Vingroup.
Kể từ giữa năm 2022, SK Group sở hữu 54% cổ phần của Imexpharm - nhà sản xuất dược phẩm hàng đầu và gần đây nổi lên với tư cách là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Maroon Bells, công ty sở hữu Pharmacity - chuỗi nhà thuốc lớn nhất, chưa niêm yết tại Việt Nam. SK Group được cho là đang sở hữu 14,5% cổ phần của công ty này với khoản đầu tư ước khoảng 90 triệu USD.
Nhiều thương vụ đáng chú ý
Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chưa đến 80% các thương vụ M&A liên quan đến các doanh nghiệp Hàn Quốc mà trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc chiếm phần vốn tối đa. Tuy nhiên, sau Covid-19, con số này tăng vọt lên 95%. Điều này chứng minh cho quan điểm những công ty của Hàn Quốc đầu tư vào thị trường Việt Nam ưa thích kiểm soát tối đa và ngày càng quan tâm đến nguồn nhân lực trong thời đại biến động toàn cầu hậu Covid-19.
Nguồn nhân khẩu học tốt, Chính phủ ổn định, GDP bình quân đầu người tăng và tiêu chuẩn giáo dục cao của Việt Nam đã cho phép các công ty Hàn Quốc xem xét các cơ hội M&A trong các lĩnh vực, từ thực phẩm, nhiên liệu, đến fintech. Vị trí địa lý, chi phí lao động thấp, đang thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và có hệ thống cảng biển hiệu quả cũng khiến việc sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam trở thành lựa chọn hấp dẫn đối với các công ty Hàn Quốc, giống như trường hợp của Samsung.
Các công ty Hàn Quốc ngày càng tích cực hoạt động tại Việt Nam, đặc biệt là kể từ năm 2018 và có nhiều thương vụ M&A đáng chú ý trong giai đoạn 2018-2022. Cụ thể, trong lĩnh vực ngân hàng, KEB Hana mua lại 15% cổ phần của BIDV - một trong những ngân hàng quốc doanh thành công và lớn nhất Việt Nam, với giá 885 triệu USD.
Trong lĩnh vực sáp nhập doanh nghiệp, SK Group công bố thương vụ M&A lớn nhất năm 2019 khi đầu tư gần 1 tỷ USD cho 6,15% cổ phần của Vingroup. Trước SK, một tập đoàn Hàn Quốc có quy mô tương đương là Hanwha cũng đã đầu tư 400 triệu USD vào Vingroup năm 2018. Tháng 9/2018, SK Group trả 470 triệu USD để mua 9,5% cổ phần của Masan Group - một công ty nông nghiệp và thực phẩm lớn. Ngày 11/11/2021, nhà đầu tư này công bố khoản đầu tư thêm 340 triệu USD vào The CrownX - nền tảng bán lẻ của Masan Group.
Trong lĩnh vực chứng khoán, Công ty Đầu tư Tài chính Hana trở thành cổ đông lớn thứ hai của Công ty Chứng khoán BIDV, với số cổ phần chiếm 35%, giá trị 114 triệu USD vào tháng 4/2022.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, Tập đoàn tài chính Shinhan đồng ý mua 10% cổ phần tại Tiki với số tiền không được tiết lộ vào tháng 5/2022 và trở thành cổ đông lớn thứ ba của Tiki. Woowa Brothers (công ty công nghệ giao thực phẩm) đã mua lại Vietnammm vào năm 2019.
Trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, Công ty TNHH Shinhan Card mua 100% cổ phần của Công ty Tài chính Prudential Việt Nam với giá 151 triệu USD vào năm 2018.
Lĩnh vực bán lẻ chứng kiến sự quan tâm của nhà đầu tư Việt Nam vào hệ thống bán lẻ của Hàn Quốc. Ở cấp độ đại siêu thị, Thaco gần đây đã hợp tác với E-Mart - một trong những nhà bán lẻ thành công nhất của Hàn Quốc. Ở cấp độ cửa hàng tiện lợi, Tập đoàn Sơn Kim đang hợp tác với GS Retail trong một liên doanh triển khai chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 trên toàn Việt Nam. Cho đến nay, Lotte vẫn tập trung phát triển chuỗi siêu thị trên toàn Việt Nam và đã đầu tư hơn 1,5 tỷ USD cho mục tiêu này.
Nỗ lực được đền đáp
Sự tham gia của các hiệp hội ngành nghề, các cố vấn giàu kinh nghiệm và các nhóm hỗ trợ trong nước là điểm khác biệt chính giúp tăng cường thành công của các nhà đầu tư Hàn Quốc tại thị trường Việt Nam. Sự hỗ trợ này vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp nhỏ của Hàn Quốc đang cố gắng xác định các đối tác Việt Nam phù hợp, các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng cũng như vị trí để đặt cơ sở kinh doanh.
Các cơ quan của Hàn Quốc, như Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA), cũng tổ chức các hội nghị trực tiếp và trực tuyến tiếp thị mạnh mẽ những ưu điểm của việc đầu tư vào Việt Nam cho các thành viên của họ. Các hiệp hội thương mại, như Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) luôn tận tâm hỗ trợ các công ty Hàn Quốc thiết lập sự hiện diện kinh doanh tại Việt Nam, cũng như kết nối chặt chẽ các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã và đang hoạt động tại Việt Nam.
Mirae Asset Securities, với tư cách là công ty chứng khoán quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, đã có mặt hơn 15 năm, cung cấp đầy đủ các dịch vụ phục vụ các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc gia nhập thị trường, tư vấn các thương vụ M&A và làm việc cùng với các doanh nghiệp niêm yết. Cùng với đó, các hiệp hội ngành hàng, phòng thương mại và các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp có kinh nghiệm đã tạo ra sự khác biệt to lớn và tất cả đều là chìa khóa để làm tăng sự quan tâm và thành công của Hàn Quốc tại Việt Nam.
Những nỗ lực trên được thể hiện qua các con số về vốn FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam. Hàn Quốc đã vượt qua Nhật Bản vào năm 2014 với tổng giá trị vốn FDI đứng đầu và giữ vững vị trí số một kể từ đó đến nay. Ngoài ra, hơn 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam và thu hút khoảng 750.000 lao động cũng là đóng góp đáng kể từ khối doanh nghiệp Hàn Quốc.
Tích cực tìm kiếm cơ hội
Chúng tôi nhận thấy, trong tương lai, các doanh nghiệp tiêu dùng và ẩm thực vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Dịch vụ tài chính, tài chính tiêu dùng và ngân hàng cũng tương tự. Và các doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động tốt trong lĩnh vực Internet vạn vật (IOT), fintech, thương mại điện tử, trò chơi điện tử và blockchain ngày càng phổ biến. Nhiều công ty Hàn Quốc tham gia thành công trong các lĩnh vực này nhận thấy họ có thể mở rộng quy mô kinh doanh tại Việt Nam và đang tích cực tìm kiếm các liên minh chiến lược, thảo luận các cơ hội M&A với các đối tác Việt Nam.