Cuộc chiến dai dẳng
Đầu tư Bất động sản vừa nhận được đơn khiếu nại của các khách hàng mua nhà tại Dự án Happy Star Tower Long Biên. Theo đó, mặc dù đã bàn giao cho các khách hàng, nhưng chủ đầu tư lại không làm thủ tục và có biên bản bàn giao chính thức.
Điều này đã đẩy các hộ dân lâm vào tình cảnh khó khăn khi không đủ điều kiện để làm thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng; không đủ điều kiện ký hợp đồng sử dụng điện nước sinh hoạt với các nhà cung cấp, phải sử dụng điện nước với giá sản xuất rất cao (giá nước lên tới 24.000 đồng/m3, trong khi chất lượng nước không được đảm bảo).
Cũng theo cư dân, dù đã bị xử phạt hành chính về các vi phạm xây dựng sai thiết kế hệ thống thông gió, vách ngăn chống cháy, hút khói tầng hầm, nhưng chủ đầu tư này không chấp hành đúng yêu cầu của cơ quan chức năng. Đồng thời, không hề có ý định khắc phục những sai phạm.
Cùng lúc với những đơn kiện đến từ cư dân Happy Star Tower, tại Long Biên, hàng trăm cư dân Mipec Riverside cũng gửi đơn kiến nghị "tố" chủ đầu tư là CTCP Hóa đầu Quân đội (Mipec) về những bất hợp lý, từ phí dịch vụ quá cao, đến hạn chế phương tiên mỗi gia đình một cách bất hợp lý. Ngoài ra, cư dân cũng tố chủ đầu tư chưa hoàn thiện một số hạng mục, chiếm diện tích xanh không đúng cam kết với người dân.
Sau nhiều lần kiến nghị không được giải quyết, chiều ngày 8/5, hàng trăm cư dân Mipec Riverside đã tập trung căng biểu ngữ phản đối giá dịch vụ. Sau đó, chủ đầu tư đã gặp gỡ, trao đổi với đại diện của cơ quan chức năng, nhưng kết quả vẫn "đâu hoàn đấy".
Chủ đầu tư Mipec Riverside đang bị cư dân phản đối nhiều vấn đề. Ảnh: Chí
Trước Happy Star Tower, Mipec Riverside, trên địa bàn Hà Nội cũng từng xảy ra nhiều tranh chấp giữa cư dân và chủ đầu tư như tại Hồ Gươm Plaza, Home City Trung Kính, Sông Hồng Parkview, Parkview Residence, Thăng Long Garden, Skylight, CT1 Vân Canh, New Horizon...
Điểm chung dễ nhận thấy giữa các dự án này chủ yếu do chất lượng, quy mô, thiết kế không đúng như cam kết theo hợp đồng mua bán, cũng như so với mẫu thiết kế mà chủ đầu tư đã quảng cáo khi rao bán, dẫn đến việc người mua bức xúc vì cảm thấy bị lừa dối.
Bà Vũ Thị Bích Hồng, một cư dân đang sinh sống tại Chung cư CT1 Vân Canh than thở: "Sống chung cư khổ hơn sống ở mặt đất. Tiền sinh hoạt là một chuyện, nhưng có những thứ trời ơi đất hỡi ở đâu mà chưa bao giờ nghĩ tới. Trót mua đành phải chịu, vì lỡ tin vào lời đường mật của chủ đầu tư kém uy tín lúc mua nhà".
Cơ hội để sàng lọc thị trường
Chuyện tranh chấp nhà chung cư giữa chủ đầu tư và cư dân không phải bây giờ mới xuất hiện, nhưng thời gian gần đây lại bất ngờ bùng phát mạnh, thậm chí, mức độ và quy mô lớn hơn rất nhiều so với trước.
Điều này, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB Law, trước tiên xuất phát từ thực tế nhà chung cư mọc lên ngày càng nhiều, đặc biệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, điều đáng buồn là sự tăng lên về số lượng, lại không theo kèm chất lượng khi nhiều trường hợp chủ đầu tư vì mục tiêu chạy theo lợi nhuận, đã không quan tâm tới quyền lợi của người mua nhà.
Hệ quả, chỉ sau một thời gian ngắn, chất lượng của dự án đã đi xuống về mọi mặt, từ chất lượng căn hộ, chất lượng dịch vụ, khiến cuộc sống của các cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Câu chuyện của Happy Star Tower, Mipec Riverside, Home City hay New Horizon…, suy cho cùng là chuyện "phải xảy ra" của thời sốt nóng chạy đua "chung cư cao tầng" của những chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, thiếu chuyên nghiệp.
Tuy vậy, đối với thị trường địa ốc, các vụ tranh chấp này không hẳn điều này là quá xấu, mà có thể xem là cơ hội tốt để thị trường có bước sàng lọc, chuyển tiếp qua một giai đoạn tốt hơn.
Trên thị trường, một loạt chủ đầu tư như Vingroup, FLC, Vihajico, MIKGroup, TNR Holdings, Hải Đăng…, đã tạo dựng được hình ảnh chuyên nghiệp của mình bằng các dự án đáng sống thực sự. Với uy tín đó, các dự án sau của những chủ đầu tư này luôn được khách hàng đón nhận, bất kể là phân khúc nào.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT GP Invest, nhìn một cách tích cực, việc tranh chấp chung cư xảy ra càng khẳng định rằng, "cuộc sống đáng mơ ước" tại các dự án dù giá rẻ hay giá cao, phải từ những chủ đầu tư chuyên nghiệp. "Cuộc sống đáng mơ ước" không chỉ từ thiết kế đẹp trên bản vẽ, thi công đúng tiến độ, mà còn phải ở chất lượng sau khi cư dân về sống. Để làm được điều đó, chủ đầu tư không có tiềm lực, chuyên nghiệp sẽ rất khó triển khai.
“Khách hàng bỏ tiền mua sản phẩm của mình, doanh nghiệp cầm tiền của khách hàng thì phải trao lại những gì tốt đẹp nhất cho khách hàng. Làm ăn kiểu ăn xổi ở thì như hiện nay của một số doanh nghiệp, thì ai còn lòng tin vào họ, khách sẽ quay lại với họ. Làm như vậy chính doanh nghiệp đang tự hại chính mình”, ông Hiệp nói.
Tương tự, ông Đào Ngọc Thanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) - chủ đầu tư Dự án Ecopark từng nói rằng, thành công của một nhà phát triển địa ốc không đơn thuần là đo đếm số căn nhà bán được, mà bằng ánh đèn từ ô cửa sổ khi đêm về. Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu như các nhà kinh doanh bất động sản kê cao gối ngủ sau khi đã xây và bán hết nhà, nhưng làm vậy thì chẳng khác gì đi buôn và rất khó đi đường dài trên thị trường bất động sản.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com