Bùng nổ theo đà có hai yếu tố: tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ và khối lượng giao dịch tăng đột biến.

Bùng nổ theo đà có hai yếu tố: tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ và khối lượng giao dịch tăng đột biến.

Bùng nổ phải có đà…

(ĐTCK-online) Thị trường hiện nay đang như một cuộc chờ đợi nghẹt thở và có khả năng biến đổi khó lường. Giá cổ phiếu điều chỉnh giảm theo xu thế chung, nhưng thỉnh thoảng lại chứng kiến vài phiên bùng lên khiến tất cả các NĐT đều bất ngờ, họ vội vã mua bán, để rồi sau đó cay đắng nhìn thị trường tiếp tục con đường tụt dốc “quen thuộc”. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta nghe nói nhiều tới từ “chạm đáy” và những mách nước rằng, đây là một cơ hội tốt để mua vào. Nhưng không ai có thể trả lời được, khi nào thì TTCK mới lấy lại được phong độ trước kia.

Tất cả chúng ta đều đang hy vọng vào một cuộc hồi phục mạnh mẽ trong tương lai gần. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn đưa ra những nét phác họa của một giai đoạn hồi phục điển hình theo cách nhìn nhận của một NĐT vĩ đại phố Wall - William O'neil.

 

Kịch bản cho đợt phục hồi đầu tiên

Khi trượt xuống dốc bên kia của một chu kỳ tăng trưởng, thị trường luôn nỗ lực quay lại thời hoàng kim của nó. Ngày đầu tiên trong nỗ lực hồi phục, chúng ta sẽ thấy chỉ số bình quân của thị trường tăng lên, có thể là cao hơn so với thời điểm trước đó trong ngày hoặc cao hơn so với phiên giao dịch trước.

Song phải tiếp tục chờ đợi, tất cả chỉ trở nên rõ ràng hơn, nếu đến ngày thứ 4, xuất hiện một chỉ số bình quân lớn “bùng nổ theo đà”, nghĩa là xuất hiện sự tăng vọt từ 2% trở lên, đi kèm với nó là khối lượng giao dịch tăng đáng kể so với ngày hôm trước. Đây thực sự là một dấu hiệu tốt, nhưng cũng chưa đủ để hóa giải những chuỗi ngày ảm đạm trước đó. Yêu cầu kiềm chế sự nóng vội là điều nên làm lúc này.

Nếu những ngày tiếp theo đó, cuộc bùng nổ theo đà này vẫn chưa có dấu hiệu hụt hơi, và từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7 mà “nó vẫn sống” và không những thế, lại còn sống ngày càng khỏe mạnh hơn, thì chúng ta mới có quyền nở một nụ cười.

Kịch bản thứ 2 hơi khác một chút, trong đó, cuộc “bùng nổ theo đà” sẽ diễn ra sớm hơn, có thể là ngay từ ngày thứ 3 của đợt hồi phục. Tuy nhiên cần lưu ý là, ngày thứ nhất và thứ nhì đều phải rất mạnh mẽ!

 

Đặc điểm then chốt

Bùng nổ theo đà phải có hai yếu tố: tỷ lệ tăng trưởng mạnh mẽ và khối lượng giao dịch tăng đột biến. Trong đó, tỷ lệ tăng trưởng càng cao thì khả năng thành công càng lớn. Sở dĩ vậy vì rất nhiều khả năng có thể do một số tay chuyên nghiệp tạo ra những đợt bùng nổ theo đà giả tạo. Đồng thời, chuỗi tăng giá này phải liên tục, càng ít bị đứt đoạn càng tốt. Điều này để đề phòng sự “nhúng tay” của các tổ chức lớn có mãi lực khổng lồ, họ có thể làm cho cả chỉ số lẫn khối lượng tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, khi thị trường giảm xuống trong ngày tiếp theo của cuộc bùng nổ theo đà không có nghĩa là, cuộc “bùng nổ  đó thất bại. Khi một thị trường đi xuống đáy, thường có một lực trì kéo lại và ổn định ở một vị trí cao hơn hoặc gần với các điểm đáy trong vài tuần trước. Sẽ hứa hẹn hơn, nếu những đợt trì trệ này ổn định ở vị trí cao hơn chút ít so với những điểm đáy tuyệt đối được tạo ra gần đây.

 

Nên làm gì?

Khi rút ra khỏi thị trường suy thoái, nhà đầu tư phải chờ cho đến khi giai đoạn này kết thúc. Điều này thông thường kéo dài 5 - 6 tháng, nhưng tồi tệ thì có thể lên đến 2 năm. Tất nhiên, không nhà đầu tư nào muốn đứng ngoài cuộc chơi một thời gian lâu như vậy. Nhưng hãy lưu ý, thị trường suy thoái luôn có những cái bẫy rất ngọt ngào, nó luôn xen giữa một vài đợt phục hồi chỉ vừa đủ để thuyết phục các NĐT mua vào.

Vậy điều đầu tiên phải tuân thủ là, luôn luôn kiên nhẫn và kiên nhẫn!

Nếu ai đó thắc mắc rằng, điều đó có thể làm lỡ hết cơ hội đầu tư, thì hãy nghĩ tới những thất bại mà mình có khả năng phải chịu nặng nề như thế nào. “Cơm không ăn, gạo còn đó”, nhưng nếu thua lỗ thì nhà đầu tư phải làm việc gần gấp đôi để có thể trở về điểm xuất phát ban đầu!

Khi đã hoàn toàn chắc chắn rằng đợt phục hồi đó diễn ra bền vững theo đúng như những kịch bản phía trên hoặc tương tự, hãy quay lại thị trường, nhưng điều này không có nghĩa là cứ xông vào không có định hướng. Trong trường hợp này, hãy xem xét tới những cổ phiếu tốt nhất vừa đột phá lên từ nền tảng giá cũ, đó thường là những cổ phiếu đầu tiên phục hồi và phục hồi mạnh mẽ nhất sau đợt suy thoái, hoặc có thể đó là những cổ phiếu cường tráng bất thường ngay cả trong giai đoạn thị trường suy thoái.

 Và điều cuối cùng mà O'neil nói với nhà đầu tư, đó là: “Chưa có chu kỳ tăng trưởng nào bắt đầu mà không có chứng nhận của một cuộc bùng nổ theo đà về cả giá cổ phiếu và khối lượng giao dịch”. VN-Index cuối năm 2007 đã từng có những ngày tăng lên 1,56% (26/11) 1,61% (3/12), 2,69% (19/12), thậm chí 4,6% ngày 16/1 vừa qua,  tuy nhiên đó chỉ là những ngày tăng lẻ tẻ, hoàn toàn không xác nhận một cuộc bùng nổ theo đà nào. Và thực tế thì từ tháng 11/2007 đến nay, thị trường vẫn chưa thể khiến chúng ta lạc quan được!