Những năm qua, Chính phủ đã có những bước tiến mạnh mẽ nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực năng lượng mặt trời. Mức giá mua bán điện năng lực mặt trời mới, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/6/2017 đến 30/6/2019 được coi là dấu mốc quan trọng, góp phần tạo ra cơ chế để thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển năng lượng mặt trời.
Tiềm năng thị trường cho việc đầu tư vào năng lượng mặt trời ở Việt Nam, bao gồm cả điện mặt trời trong các tòa nhà thương mại và trên mái nhà các khu công nghiệp, trên mái tòa nhà đang có xu hướng gia tăng. Vào năm 2017, Việt Nam đã có những dự án điện mặt trời đầu tiên lắp đặt trên mái các nhà máy với công suất hơn 1MW.
Ngay cả khi mới chỉ bắt đầu phát triển năng lượng mặt trời thì Việt Nam đã nghiên cứu cải tiến công nghệ cho các dự án quang điện, như các tấm pin mặt trời nổi trên mặt nước và các giải pháp quang điện kết hợp nông - ngư nghiệp, nhằm tạo ra lợi ích bình đẳng giữa các hộ sản xuất nông- ngư nghiệp và nhà sản xuất điện.
Trong khi đó, Tập đoàn Kinh Bắc đã ký kết hợp đồng thuê đất với Công ty JA Solar (Trung Quốc) để công ty này đầu tư 450 triệu USD vào việc xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời trên diện tích 40 ha tại tỉnh Bắc Giang. Dự kiến, số vốn đầu tư của dự án có thể lên tới 1 tỷ USD trong tương lai.
Tập đoàn TTC đã công bố sẽ cùng một số đối tác đầu tư 20 nhà máy điện mặt trời, với công suất dự kiến đạt 1.000 MW. Có 5 tỉnh được TTC chọn để đầu tư tại 20 vị trí. Theo đó, 5 dự án tại Tây Ninh dựa trên quỹ đất mà Tập đoàn đang sở hữu như: Điện mặt trời Thành Long (37 ha, công suất 30 MW); Điện mặt trời khu kho cảng TTCIZ (111,8 ha, gồm hai dự án có tổng công suất 94 MW), Điện mặt trời Hồ Nước Trong (146,4 ha, gồm 2 dự án có tổng công suất 100 MW).