Vì quy mô và tầm quan trọng, các nhà đầu tư tách Trung Quốc ra một thị trường riêng so với phần còn lại của các thị mới nổi châu Á (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Vì quy mô và tầm quan trọng, các nhà đầu tư tách Trung Quốc ra một thị trường riêng so với phần còn lại của các thị mới nổi châu Á (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Bùng nổ các quỹ chỉ số loại trừ Trung Quốc khỏi danh mục

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chiến lược loại trừ Trung Quốc khỏi danh mục đầu tư của các thị trường mới nổi đang nhanh chóng thu hút sự chú ý khi các nhà quản lý chứng khoán tìm cách giảm thiểu rủi ro khi đầu tư vào một quốc gia đang đối mặt với chính sách đặc biệt và những thách thức về địa chính trị.

Gần như không tồn tại trước năm 2015, những sản phẩm như vậy đã xuất hiện vào năm ngoái khi khả năng đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc bị nghi ngờ về mặt hiệu quả.

Xu hướng mới chớm nở này nhấn mạnh niềm tin ngày càng tăng rằng Trung Quốc là một quốc gia quá rộng lớn và phức tạp để có thể gộp chung với các quốc gia khác. Cổ phiếu của Trung Quốc hiện chiếm gần 30% chỉ số thị trường mới nổi của MSCI. Điều đó đặc biệt có vấn đề khi chứng khoán của Trung Quốc đang hoạt động kém hiệu quả so với chứng khoán toàn cầu trong năm thứ ba liên tiếp do căng thẳng với phương Tây, kiểm soát khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

“Người ta phải hỏi những hậu quả tiềm ẩn nếu Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột với các nơi khác trên thế giới, trong trường hợp đó, điều gì sẽ xảy ra với các khoản đầu tư của bạn liên quan đến Trung Quốc? Đó là một câu hỏi chính đáng và ủng hộ một xu hướng lâu dài, Trung Quốc là một phân bổ riêng biệt”, Victor Zhang, giám đốc đầu tư của American Century Investments cho biết.

MSCI đã ra mắt “Chỉ số ngoại trừ Trung Quốc” dành cho các thị trường mới nổi vào năm 2017, nhưng chiến lược này đã được thực hiện mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây sau các hạn chế liên quan tới đại dịch Covid-19. Việc Trung Quốc miễn cưỡng triển khai các biện pháp kích thích lớn và những cơn gió ngược về cấu trúc bao gồm cả việc dân số ngày càng thu hẹp đang khiến các nhà đầu tư có thêm lý do để tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường khác.

Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 8% trong năm nay, hướng tới năm giảm thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, chỉ số MSCI của các thị trường đang phát triển không bao gồm các công ty Trung Quốc đã tăng 11% khi sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo đã nâng đỡ các thị trường tập trung về công nghệ ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời cổ phiếu của Ấn Độ cũng tăng lên mức cao kỷ lục.

Romina Graiver, chuyên gia danh mục đầu tư tại William Blair International Ltd. cho biết: “Rủi ro địa chính trị, rủi ro pháp lý và những lo ngại chung về khả năng đầu tư của Trung Quốc là những động lực lớn hơn khiến sự quan tâm ngày càng tăng đối với các sản phẩm này”.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tổng tài sản nắm giữ trong iShares MSCI Emerging Markets ex-China ETF đã tăng lên khoảng 4,4 tỷ USD từ mức 165 triệu USD ít ỏi vào cuối năm 2020. Trong khi đó, giá trị thị trường của iShares MSCI China ETF chỉ tăng 19% lên khoảng 8 tỷ USD trong cùng kỳ.

Điều đó không có nghĩa là các nhà đầu tư đang từ bỏ thị trường Trung Quốc. Là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là ngôi nhà của những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Alibaba, thị trường này quá lớn để một số người có thể bỏ qua.

Các nhà quản lý tiền tệ đã ví sự thay đổi này giống như những gì đã xảy ra với Mỹ và Nhật Bản cách đây nhiều thập kỷ, khi sức ảnh hưởng ngày càng tăng của các quốc gia dẫn tới việc cần phải đảm bảo một sự phân bổ độc lập. Với 10.000 tỷ USD vốn hóa thị trường chứng khoán, Trung Quốc tự hào có một loạt công ty vẫn chưa được các nhà đầu tư nước ngoài khai thác.

Christian Abuide, người đứng đầu bộ phận phân bổ tài sản tại Lombard Odier cho biết: “Với tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu, quốc gia này xứng đáng được phân bổ trực tiếp. Những cân nhắc về kinh tế vĩ mô ngắn hạn, địa chính trị và tình cảm sẽ quyết định phần lớn dòng chảy và bức tranh hoạt động, nhưng về lâu dài, Trung Quốc vẫn thu hút nhà đầu tư”.

Một số nhà đầu tư cũng nhận định rằng sự sụt giảm của chứng khoán Trung Quốc đã khiến định giá trở nên hấp dẫn. Chỉ số Hang Seng đang gần rơi vào thị trường giá xuống và đang giao dịch ở mức P/E thấp hơn 10 lần và là một trong những chỉ số rẻ nhất trong số các thị trường lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, việc giảm tiếp xúc với thị trường Trung Quốc sẽ cho phép dòng tiền tập trung nhiều hơn vào các thị trường mới nổi khác ở châu Á. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, dòng vốn nước ngoài đã tăng lên 25,4 tỷ USD trong năm nay, dự kiến sẽ là mức mua ròng trong năm lớn nhất kể từ năm 2016.

Navin Hingorani, nhà quản lý danh mục đầu tư của Eastspring Investments cho biết: “Tác động của một quốc gia thống trị như vậy trong chỉ số toàn cầu có thể lấn át cơ hội ở các thị trường mới nổi khác”.

Tin bài liên quan