Theo báo cáo mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành (TTDI) năm 2021, mức tăng điểm cao nhất trong 117 nền kinh tế trên thế giới.
Một phân tích của Viện Kinh tế Mastercard cho biết, nếu xu hướng đặt vé máy bay tiếp tục được duy trì ở mức cao như hiện tại, ước tính năm 2022 sẽ có thêm 430 triệu hành khách bay đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương so với năm 2021, trong đó Việt Nam là điểm đến ưa thích.
Còn số liệu thống kê sơ bộ của các công ty du lịch trong nước cho thấy, sau khi mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, lượng khách nước ngoài đến Việt Nam trong tháng 5/2022 tăng 70,6% so với tháng trước đó và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động du lịch hồi phục mạnh mẽ đã thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm du lịch tăng vọt. Bà Hoàng Thị Yến, Giám đốc PTI Digital cho hay, từ đầu tháng 6/2022, lượng khách hàng mua bảo hiểm du lịch nước ngoài thông qua website bán hàng của Công ty tăng đột biến, đạt 200% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các công ty du lịch yêu cầu cấp đơn bảo hiểm theo đoàn, lượng khách hàng cá nhân mua bảo hiểm cho các tour du lịch tự túc cũng tăng cao.
“Mặc dù doanh thu từ bảo hiểm du lịch chủ yếu đến từ các công ty lữ hành, nhưng việc khách hàng cá nhân tăng vọt cho thấy nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm du lịch ngày càng cải thiện”, bà Yến nói và chia sẻ thêm, một lý do khác khiến nhu cầu bảo hiểm du lịch tăng cao thời gian gần đây là các sản phẩm bảo hiểm du lịch đã “gần” hơn với nhu cầu khách hàng, quy trình bồi thường cũng được tối giản để khách hàng có thể dễ dàng làm thủ tục yêu cầu bồi thường và nhận tiền bảo hiểm. Chẳng hạn, với bảo hiểm trễ hủy chuyến bay đang được Bảo hiểm Bưu điện (PTI) triển khai, khách hàng chỉ cần gửi yêu cầu online là có thể nhận tiền bồi thường trong vòng 2 tiếng mà không cần phải làm thêm bất kỳ thủ tục nào.
Lâu nay, đối với bảo hiểm du lịch, các công ty bảo hiểm chủ yếu cạnh tranh bằng phí, nhưng nay có sự chuyển dịch sang chất lượng dịch vụ và quy trình bồi thường. Vì thế, nhà bảo hiểm nào tối ưu hoá được các yếu tố này thì sẽ thu hút khách hàng.
Theo đại diện một công ty bảo hiểm nằm trong nhóm dẫn đầu thị trường về thị phần khai thác mới, mảng bảo hiểm du lịch có xu hướng tăng nóng khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, nhiều nước quy định phải có đủ bảo hiểm du lịch thì mới cho phép nhập cảnh cũng khiến nhu cầu mua bảo hiểm du lịch tăng vọt trong tháng 6/2022 và xu hướng tăng sẽ còn duy trì trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo quy định mới, để xin visa đến một số quốc gia/vùng lãnh thổ, bảo hiểm du lịch sẽ cần có quyền lợi chi trả khi mắc Covid-19. Với chủ trương “mở” như hiện nay, nguy cơ nhiễm bệnh trong quá trình du lịch là không nhỏ, trong khi chi phí điều trị Covid tại nước ngoài rất cao, gây rủi ro lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
“Thời gian qua, một số công ty bảo hiểm trong nước đã phải xử lý nhiều hồ sơ yêu cầu bồi thường cũng như các vụ khiếu nại liên quan đến bồi thường bảo hiểm Covid-19. Do đó, song song với việc đẩy mạnh bán bảo hiểm du lịch trong mùa cao điểm du lịch hè, các doanh nghiệp bảo hiểm cần xem xét, rà soát lại các yếu tố rủi ro theo hướng vừa đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, vừa đảm bảo hiệu quả hoạt động”, vị đại diện trên lưu ý.