Bức tranh toàn cảnh CTCK năm 2013 - kỳ 3: Những trường hợp đặc biệt

Bức tranh toàn cảnh CTCK năm 2013 - kỳ 3: Những trường hợp đặc biệt

(ĐTCK) Trong số 80 CTCK đã phân tích ở 2 kỳ trước, một số công ty gây không ít bất ngờ về kết quả hoạt động kinh doanh quý IV/2013, số khác lại có những phát sinh lớn, đáng quan tâm.

Bất ngờ

Quý IV/2013 có 4 CTCK gây bất ngờ, trong đó 1 trường hợp “bất ngờ lãi” và 3 trường hợp “bất ngờ lỗ”, với những con số trên trăm tỷ đồng.

Đầu tiên là Sacombank-SBS. CTCK này đã “trở về từ vực sâu” khi công bố lợi nhuận sau thuế quý IV/2013 của công ty mẹ đạt 348 tỷ đồng, nâng lợi nhuận cả năm lên hơn 445,3 tỷ đồng và trở thành CTCK có lợi nhuận lớn nhất năm 2013. Góp phần tạo ra sự bất ngờ này là khoản thu nhập lên đến 368 tỷ đồng từ việc xử lý trái phiếu chuyển đổi.

Cuối năm 2011, SBS phát hành 800.000 trái phiếu chuyển đổi với mệnh giá 1.000.000 đồng/trái phiếu cho CTCP Dịch vụ Giá trị mới. Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 13%/năm. Tuy nhiên, tổ chức này không thanh toán tiền mua trái phiếu cho SBS, mà chuyển quyền mua cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank). Tháng 3/2012, Sacombank đã thanh toán toàn bộ 800 tỷ đồng cho SBS.

Một năm sau, vào tháng 3/2013, SBS thanh toán trước hạn 300 tỷ đồng tiền gốc và 104 tỷ đồng lãi cho Sacombank. Đến tháng 10/2013, SBS ký hợp đồng mua lại số trái phiếu còn lại với giá 264.000 đồng/trái phiếu. Bán ra là 500 tỷ đồng, trong khi mua lại chỉ có 132 tỷ đồng, nên SBS có được 368 tỷ đồng ghi nhận vào thu nhập khác.

Bên cạnh đó, SBS tiến hành xử lý các khoản phải thu từ hợp đồng uỷ thác đầu tư, hợp đồng hợp tác quản lý vốn… và được hoàn nhập 470,5 tỷ đồng dự phòng đã trích trước đó. Nhờ đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tính chung được hoàn nhập là 42 tỷ đồng trong quý IV/2013.

Ngoài ra, trong quý IV/2013, SBS được hoàn nhập 173,6 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, qua đó bù đắp được phần lớn các khoản chi phí hoạt động kinh doanh khác.

Ở chiều ngược lại, CTCK ACB (ACBS) bất ngờ báo lỗ 130 tỷ đồng trong quý IV/2013. ACBS đã bán toàn bộ 3.236.536 cổ phần của CTCP Saigon Postel và lỗ từ việc bán cổ phần này được ghi nhận vào chi phí hoạt động kinh doanh. Giá trị số cổ phiếu này theo sổ sách kế toán xấp xỉ 170 tỷ đồng, nhưng giá thị trường chỉ khoảng 45 tỷ đồng. Dù vậy, tính chung cả năm 2013, ACBS vẫn lãi sau thuế 90 tỷ đồng.

CTCK Phương Đông (ORS) cũng bất ngờ lỗ gần 115,4 tỷ đồng trong quý IV/2013 do phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi và dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán. Tính chung cả năm 2013, CTCK này lỗ 117 tỷ đồng.

Cụ thể, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi trong quý IV/2013 đã tăng từ 16,5 tỷ đồng lên hơn 84,4 tỷ đồng; cùng với phát sinh này, chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ của ORS được đẩy lên gần 71 tỷ đồng, chiếm 90% tổng chi phí quản lý doanh nghiệp cả năm 2013.

Tương tự, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn trong quý IV/2013 của ORS tăng từ 20,3 tỷ đồng lên hơn 62,5 tỷ đồng, “góp phần” làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh lên gần 46,4 tỷ đồng, chiếm 98,31% tổng chi phí hoạt động kinh doanh cả năm.

ORS hiện có khoản phải trả 380 tỷ đồng cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Số tiền này, ORS nhận từ TPBank để thực hiện các hợp đồng mua bán chứng khoán và được ghi là đang gửi tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank).

Bên cạnh đó, ORS còn phải trả 50 tỷ đồng cho SBS. Đây là số tiền mà SBS đã cho ORS vay từ tháng 7/2011, nhưng được các bên thoả thuận bằng hợp đồng với nội dung: SBS tạm ứng tiền để ORS mua giùm trái phiếu cho SBS, trong thời gian tìm kiếm trái phiếu thì ORS phải trả cho SBS khoản tiền lãi tương ứng với lãi suất 20%/năm. Thời hạn của hợp đồng là 1 tháng, sau đó được gia hạn thêm 3 tháng, nhưng đến nay các bên vẫn mắc kẹt với số tiền này.

Trường hợp cuối cùng đó là CTCK Artex (ART). Quý IV/2013, ART báo lỗ hơn 100 tỷ đồng và đây gần như là toàn bộ khoản lỗ cả năm của công ty này. Lý do là ART phải hoàn trả khoản tiền phạt gần 86,7 tỷ đồng cho Công ty TNHH FLC Land (trước đây là CTCP FLC Land).

Sự việc bắt đầu từ cuối năm 2011, khi đó Artex đã được đổi tên thành FLCS (sau này lại lấy lại tên cũ là Artex), sau khi Tập đoàn FLC mua 5 triệu cổ phần của Artex (chiếm tỷ lệ 37%). Artex nhận chuyển nhượng quyền sử dụng diện tích 5.400 m2 văn phòng tại tầng 3, 4 và 5 Toà nhà FLC Landmark Tower tại huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội từ CTCP FLC Land. Tổng giá trị chuyển nhượng là 35,1 tỷ đồng và Artex đã ứng trước 33,3 tỷ đồng.

Do FLC Land không thể bàn giao diện tích văn phòng như thoả thuận trong hợp đồng nên Artex đã phạt FLC Land 102,5 tỷ đồng và số tiền này được Công ty ghi nhận vào doanh thu khác trong năm 2011. Khoản phạt này lớn hơn nhiều giá trị hợp đồng nên không đúng với quy định của Luật Thương mại 2005. Vì thế, vừa qua, Artex đã phải hoàn trả số tiền phạt không đúng quy định pháp luật cho FLC Land.

Và những phát sinh có giá trị lớn

Tại CTCK Kim Long (KLS), lượng tiền mặt giảm gần 468 tỷ đồng trong năm qua, trong khi đầu tư ngắn hạn tăng 330 tỷ đồng và đầu tư dài hạn tăng 54 tỷ đồng. Đáng lưu ý là đầu tư ngắn hạn tăng mạnh, nhưng dự phòng lại giảm hơn 167 tỷ đồng. Con số này đúng bằng số dự phòng được hoàn nhập, nhờ đó KLS có được lợi nhuận sau thuế năm 2013 hơn 138,3 tỷ đồng, chênh lệch lớn so với gần 21,6 tỷ đồng của năm 2012.

Trong tổng giá trị 1.264,5 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn của KLS năm 2013 có 980 tỷ đồng là “đầu tư ngắn hạn khác”. Với doanh thu lãi tiền gửi 134,2 tỷ đồng trong năm thì khoản “đầu tư ngắn hạn khác” này có thể hiểu là tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng.

CTCK Đại Dương (OCS) lại có tiền mặt tăng mạnh, phần lớn là trong quý IV/2013. Tuy nhiên, tiền mặt tăng thêm 200 tỷ đồng trong năm 2013 vẫn chưa tương ứng với nợ vay phát sinh thêm; OCS đã vay ngắn hạn thêm 146 tỷ đồng và vay dài hạn 300 tỷ đồng. Các khoản phải thu và phải trả biến động khá lớn. Cụ thể, phải thu giao dịch chứng khoán tăng 324 tỷ đồng, trong khi phải thu khác giảm 566 tỷ đồng và phải trả khác giảm gần 496 tỷ đồng. OCS có vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Năm 2013, Công ty lãi ròng 18,64 tỷ đồng, giảm 3,5 tỷ đồng so với năm 2012.

CTCK Đông Nam Á (SeASecurities) có vốn điều lệ là 335 tỷ đồng, nhưng năm 2013, doanh thu môi giới chỉ hơn 1,7 tỷ đồng, doanh thu tư vấn 120 triệu đồng và doanh thu đầu tư gần 2,4 tỷ đồng. Nói chung, doanh thu của SeASecurities chủ yếu là doanh thu khác (48,5 tỷ đồng).

Cấu phần chính của doanh thu khác của nhiều CTCK trong năm 2013 là lãi tiền gửi, phí ứng trước tiền bán chứng khoán, lãi từ các hợp đồng Repo và phí chuyển nhượng trái phiếu.

Tin bài liên quan