Kỳ 2: Phân hoá mạnh mẽ
Ưu thế thuộc về tốp đầu
Một bộ phận CTCK có sức sống thực sự nên báo cáo tài chính (BCTC) mới “có cái để đọc”. Phần đông còn lại hoạt động khá mờ nhạt và BCTC có nhiều khoản tù mù.
Một điểm chung giữa tất cả CTCK trong năm qua là không chào bán thêm cổ phiếu để tăng vốn, ngoại trừ CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP. HCM (HSC) tăng vốn điều lệ do phát hành cổ phiếu cho cán bộ, nhân viên.
Vốn liếng tập trung vào một số ít công ty. Tổng vốn chủ sở hữu của 80 CTCK đến cuối năm 2013 là 34.763 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,38% so với cuối năm 2012. 20 CTCK thuộc tốp đầu chiếm đến 71,71% tổng số vốn này.
Sacombank-SBS là CTCK có vốn chủ tăng mạnh nhất (tăng hơn 445,3 tỷ đồng), kế đến là VPBS, VNDirect, BVSC và HSC. Ở chiều ngược lại, CTCK có vốn chủ giảm mạnh nhất là Phương Đông (ORS), giảm 117 tỷ đồng, tiếp theo là Artex (ART), Kim Long (KLS), Agriseco, Đông Á (DAS) và Beta.
Đối với các mảng dịch vụ, 20 CTCK có doanh thu môi giới lớn nhất chiếm 83,5% tổng doanh thu môi giới của tất cả 80 CTCK; tỷ lệ này đối với hoạt động tư vấn lên đến 92,6%. Có thể thấy, số đông công ty còn lại có dịch vụ nghèo nàn và không hiệu quả.
Năm qua, 55 CTCK có lãi với tổng mức lãi ròng hơn 2.444 tỷ đồng, tăng 43,7% so với năm 2012, trong khi 25 CTCK còn lại lỗ hơn 405 tỷ đồng, tức lỗ gấp hơn 2,2 lần năm 2012. Đa số CTCK lỗ trong năm 2013 đã lỗ từ trước đó.
Lưu ý, số CTCK có lãi trong năm 2013 (55 CTCK) lớn hơn số công ty có vốn chủ sở hữu tăng (50 CTCK) và tổng lãi của 80 CTCK (2.039 tỷ đồng) lớn hơn số vốn chủ tăng thêm (807 tỷ đồng) là do có các trường hợp sử dụng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối để mua lại cổ phiếu, trích lập các quỹ, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, bù lỗ cho đơn vị cấp dưới…
Ngoài ra, tổng lợi nhuận sau thuế của 20 CTCK có lãi lớn nhất lớn hơn con số của toàn bộ 80 CTCK cộng lại do nhiều CTCK bị lỗ. Đa số CTCK có thị phần môi giới lớn nhất cũng là những CTCK có lãi nhiều nhất như HSC, SSI, VCSC, ACBS, VNDirect, FPTS, VCBS, BVSC, TVS, VPBS…
Những CTCK “sống mòn”
Có 17 CTCK có doanh thu môi giới chưa đến 1 tỷ đồng trong năm 2013. Trong số này, 6 CTCK không có đồng doanh thu tư vấn nào và 9 CTCK bị lỗ.
Phần lớn CTCK trong danh sách này có vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn điều lệ. Tệ hơn, nhiều CTCK đã lỗ ít nhất 2 năm liên tiếp, vốn chủ thì ít và ngày càng teo tóp như Sen Vàng (GLS), Viễn Đông (VDSE), Châu Á (ASC), Hồng Bàng (HBSC), Hoàng Gia (ROSE), Nam An (NASC), Việt Quốc (VQSC). Với doanh thu môi giới và tư vấn gần như là con số 0, trong khi vốn chủ ngày càng mòn dần, nhiều công ty cố gắng cầm cự bằng cách giảm thiểu chi phí, giảm thiểu mọi hoạt động. Các CTCK này không phải là những CTCK bị lỗ nhiều nhất; các CTCK này lỗ chủ yếu là do phải trang trải các khoản chi phí để duy trì sự tồn tại (chi phí quản lý doanh nghiệp).
CTCK bị lỗ nhiều nhất là Phương Đông (ORS) và Artex (ART), mức lỗ vượt ngưỡng 100 tỷ đồng. ORS lỗ là do dự phòng đầu tư và dự phòng phải thu tăng, trong khi ART lỗ là do lợi nhuận khác âm hơn 86,5 tỷ đồng (sẽ phân tích kỹ hơn ở kỳ tiếp theo).
Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), hiện có xấp xỉ 20 CTCK đang thực hiện tái cấu trúc và không còn hoạt động môi giới.
Trong năm qua, UBCK đã đặt 4 CTCK vào diện kiểm soát đặc biệt và 5 CTCK vào diện kiểm soát. Số CTCK bị chấm dứt hoạt động kinh doanh để thực hiện thủ tục thu hồi giấy phép là 3, còn số bị đình chỉ hoạt động là 1, tạm ngừng hoạt động 1. UBCK cũng đã rút nghiệp vụ môi giới của 7 CTCK và hiện có 3 CTCK đang làm thủ tục giải thể.
Cũng theo UBCK, do ảnh hưởng của các đợt suy giảm thị trường trước đây, hoạt động của khối CTCK gặp nhiều khó khăn, những CTCK tốt thì kết quả kinh doanh ngày càng tốt hơn, còn những CTCK trước đây bị lỗ lũy kế thì hiện nay vẫn chưa khắc phục được. Với đà này, xu hướng phân hoá giữa các CTCK sẽ tiếp tục diễn ra mạnh trong năm 2014.
Xem tiếp kỳ 3: Những trường hợp đặc biệt