Bức tranh tình hình tài chính DN qua báo cáo thường niên

Bức tranh tình hình tài chính DN qua báo cáo thường niên

(ĐTCK-online) Để tìm hiểu về Báo cáo thường niên (BCTN), NĐT bắt đầu từ thư gửi cho các cổ đông của doanh nghiệp.

Thư dành cho cổ đông thường được viết bởi Chủ tịch HĐQT, trong đó khái quát bức tranh tổng thể tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Sự trung thực của Chủ tịch HĐQT được thể hiện qua việc trình bày những thành quả đạt được trong năm cùng với những khó khăn và thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt. Trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng cũng thường xuyên được đề cập trong mục này.

Tiếp đến, NĐT chuyển sang tìm hiểu Bảng cân đối kế toán. Mà qua đó, tình hình thanh khoản và “sức khoẻ” tài chính của doanh nghiệp được thể hiện khá rõ.

Bảng cân đối kế toán bao gồm các khoản mục tài sản sở hữu và các khoản nợ. Khoản nợ được doanh nghiệp huy động từ các tổ chức cho vay hay được phát sinh trong quá quá trình hoạt động kinh doanh.

Bảng cân đối kế toán còn thể hiện chi tiết giá trị đầu tư của các cổ đông, bao gồm cổ phần, thặng dư và các khoản mục liên quan khác. Công thức đơn giản của Bảng cân đối kế toán trong BCTN là Tài sản = Nợ + Vốn cổ đông.

Bảng cân đối kế toán cung cấp chi tiết về cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Trong đó, tổng tài sản bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn. NĐT cần có cái nhìn chi tiết vào mỗi khoản mục và cân nhắc xem tài sản dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp tăng hay giảm? Các khoản nợ cụ thể như thế nào, tăng hay giảm so với năm trước? Nếu tài sản trong danh mục chờ bán thì cần cân nhắc tính thanh khoản cao hay thấp. Tính thanh khoản được đánh giá qua hệ số thanh toán hiện thời và hệ số thanh toán nhanh.

 

Hệ số thanh toán hiện thời

Hệ số thanh toán hiện thời thể hiện khả năng chi trả các khoản nợ của doanh nghiệp trong ngắn hạn. Thông thường, chỉ số này càng cao thì thanh khoản của doanh nghiệp càng tốt.

Hệ số thanh toán hiện thời được tính bằng tài sản ngắn hạn chia cho nợ ngắn hạn. Nếu tài sản ngắn hạn của công ty nhiều hơn so với nợ ngắn hạn trên hai lần thì công ty thông thường được coi là có tình trạng tài chính khoẻ mạnh trong ngắn hạn. Nếu khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn thì công ty có vấn đề trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Hệ số thanh toán nhanh

Hệ số thanh toán nhanh được tính bằng việc loại bỏ hàng tồn kho ra khỏi danh mục tài sản ngắn hạn, sau đó được chia cho nợ ngắn hạn. Hệ số thanh toán nhanh giúp NĐT xem xét khả năng trả nợ nhanh của doanh nghiệp. Hệ số càng cao thể hiện tình hình tài chính của doanh nghiệp càng mạnh.

 

Hiểu về khả năng trả nợ của doanh nghiệp

NĐT nên chú tâm vào khả năng chi trả nợ của doanh nghiệp trong BCTN. Khả năng có thể trả được nợ của doanh nghiệp được tính bằng hệ số “nợ trên vốn” (debt-to-equity) để đánh giá việc sử dụng đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp. Thông thường là nợ dài hạn chia cho vốn cổ đông.

Doanh nghiệp có hệ số nợ càng cao thì càng rủi ro, nhất là trong giai đoạn lãi suất ngân hàng tăng cao. Hệ số này lớn hơn 1, thì phần lớn tài sản được sử dụng nợ. Nếu hệ số này nhỏ hơn 1 thì phần lớn tài sản được sử dụng nguồn vốn. Sau khi đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp qua các hệ số nói trên, NĐT nên đánh giá hiệu quả quản lý của doanh nghiệp trong việc huy động các nguồn vốn.

Tiếp đó, NĐT có thể đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh và khả năng sinh lời của doanh nghiệp qua Báo cáo kết quả kinh doanh. Cuối cùng, việc đánh giá Báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ giúp NĐT hiểu về dòng tiền của doanh nghiệp, việc sinh ra dòng tiền cũng như các khoản làm phát sinh giảm dòng tiền.

Một cách ngắn gọn, bằng chính khả năng tư duy và tích luỹ của mình, NĐT có thể có một bức tranh khá toàn diện về tình hình tài chính của doanh nghiệp và phân biệt mình trước số đông các NĐT khác qua việc tìm hiểu rõ ràng những thông tin được cung cấp trong BCTN.