Dòng tiền bắt đầu lưu thông mạnh hơn

Dòng tiền bắt đầu lưu thông mạnh hơn

Bức tranh tín dụng sáng dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tăng trưởng tín dụng thoát “âm” kể từ tháng 3/2024, trong đó không ít nhà băng có tín dụng tăng cao gấp đôi bình quân ngành và dự báo sẽ cải thiện rõ nét vào cuối năm khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tốt lên.

Tăng trưởng dương trở lại

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 3, huy động vốn của toàn hệ thống đạt 13,73 triệu tỷ đồng; tín dụng toàn nền kinh tế tăng 1,34%, trong khi tháng 1 và 2 tăng trưởng tín dụng âm. Tính đến ngày 10/5/2024, tín dụng tăng 1,95% so với cuối năm 2023. Với dấu hiệu khả quan này, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN, nền kinh tế bắt đầu ngấm vốn và hy vọng trong quý II - III, nhất là quý IV/2024, nguồn vốn tín dụng đạt mức kỳ vọng dự kiến cả năm là 14 - 15%, hoặc có thể cao hơn khi sức hấp thụ vốn cải thiện.

Với địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho biết, tín dụng của các ngân hàng trên địa TP.HCM trong 3 tháng đầu năm trong xu hướng tăng trưởng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước. Tháng 1, tín dụng trên địa bàn giảm 0,93%, tháng 2/2024 tăng 0,01% và tháng 3 tăng 0,5% so với tháng trước. Kinh tế tăng trưởng, các ngành lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phát triển, kích thích nhu cầu vốn và tăng trưởng tín dụng.

Về phía các ngân hàng, bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc điều hành miền Nam Techcombank cho hay, 2 tháng đầu năm 2024, tín dụng của Ngân hàng tăng khoảng 3 - 4%, riêng tín dụng của mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ với mức tăng gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu. Còn theo báo cáo tài chính quý I/2024, tín dụng đến cuối quý I của Techcombank tăng đến 6%. Năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của Techcombank là 16,2% hoặc cao hơn, theo mức tín dụng NHNN cấp.

Theo bà Lộc, Techcombank triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank cho vay mới với lãi suất từ 5,5%/năm. Với khách hàng hiện hữu, Ngân hàng vẫn duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt ở mức dao động từ 4,5 - 6,5%/năm. Với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), Ngân hàng cho vay với hạn mức tín dụng tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng.

Tương tự, ông Nguyễn Đình Tùng, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng OCB cho biết, tăng trưởng tín dụng tại OCB đến cuối quý I/2024 đạt 4,6%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành, huy động vốn tăng khoảng 5%. Hoạt động cho vay đối với mảng bán lẻ tăng trưởng tích cực, cho vay doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng tăng trong làn sóng giảm mạnh lãi suất cho vay.

Với HDBank, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, nếu trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank thấp bởi trước Tết, người dân, doanh nghiệp thường có tâm lý muốn trả nợ, thì từ tháng 2/2024 trở đi, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đi lên. Theo đó, đến cuối quý I/2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank đạt 6,2%, nâng quy mô tổng dư nợ lên 375.385 tỷ đồng, hướng tới các ngành, đối tượng khách hàng ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, SME, tài trợ chuỗi cung ứng…

Theo ông Nam, HDBank đẩy mạnh tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn, phát triển sản xuất - kinh doanh. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát, với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ dưới 2%, phù hợp kế hoạch đề ra.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho rằng, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khoá, đặc biệt đầu tư công và hỗ trợ doanh nghiệp là chìa khoá để kích thích sản xuất, tiêu dùng. Khi đó, nhu cầu sử dụng vốn vay sẽ tăng thêm, vốn của ngân hàng thương mại mới phát huy tác dụng. Ngoài ra, lãnh đạo Agribank đề xuất Chính phủ cần triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế...

Cải thiện mạnh về cuối năm

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp, doanh nghiệp đỡ áp lực về chi phí vốn, nên dự báo nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng và mục tiêu tăng trưởng 13,5 - 14% là khả thi.

Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank

Đánh giá về triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm nay, lãnh đạo các nhà băng cho rằng, với mặt bằng lãi suất thấp hiện nay, cùng với sự hồi phục ở phân khúc bất động sản nhà ở, dòng chảy tín dụng sẽ được khơi thông mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm.

Ông Trần Hoài Nam cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp, doanh nghiệp đỡ áp lực về chi phí vốn, nên dự báo nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng và mục tiêu tăng trưởng 13,5 - 14% trong năm nay là khả thi.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng kỳ vọng, không chỉ tín dụng nhà ở, mà với phân khúc khách hàng doanh nghiệp, cả với SME cũng sẽ dần tăng trở lại trong những tháng tới, nhất là hai quý cuối của năm nay. Vì thông thường, cầu vốn của khách hàng sẽ tăng cao trong mùa kinh doanh cuối năm. Lãnh đạo OCB cho hay, trong năm 2024, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh những phân khúc vốn là thế mạnh, trong đó bao gồm cho vay doanh nghiệp SME.

Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho rằng, một số năm trước, giai đoạn cuối năm nhu cầu tín dụng cao nhưng các ngân hàng khá căng về room tín dụng. Cầu tín dụng đầu năm thường yếu, thậm chí tại một số ngân hàng, người trả nợ nhiều hơn người đi vay. Đây là lý do làm tăng trưởng tín dụng giảm tốc trong 2 tháng đầu năm 2024. Nhưng khi các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh sôi động trở lại, nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tăng dần lên. Sau khi tăng trưởng dương trong tháng 3, theo dự báo của lãnh đạo MB, tín dụng có thể tăng mạnh hơn trong quý II/2024.

Đồng quan điểm, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tháng 1/2024 rơi vào sát Tết Nguyên đán, còn tháng 2 là tháng Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng nhằm thu hồi vốn, chứ không có nhu cầu vay vốn để mua thêm nguyên vật liệu sản xuất. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng giảm 2 tháng đầu năm là điều bình thường. Vị chuyên gia này cho rằng, tăng trưởng tín dụng tăng trở lại từ tháng 3/2024 do doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có những tín hiệu tích cực về đơn hàng, tiêu dùng trong nước cũng cải thiện. Hiện cộng đồng doanh nghiệp đã và đang tập trung vào sản xuất - kinh doanh nên nhu cầu vốn sẽ tăng cao. NHNN cũng giao ngay chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2024 ở mức 15%. Đây là cơ sở để các ngân hàng thực hiện đẩy vốn cho nền kinh tế ngay từ đầu năm.

PGS. TS. Phạm Thị Thanh Xuân, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay: “Người dân, doanh nghiệp đang hồ nghi là kinh tế đã hồi phục hay chưa, nhưng qua kết quả từ nhóm nghiên cứu của chúng tôi có thể giải toả yếu tố hồ nghi đó, vì tín hiệu lạc quan đang vượt trội. Như vậy, có thể khẳng định là nền kinh tế đã bước vào pha phục hồi. Chính sách hạ lãi suất và công khai lãi suất đã đúng điểm rơi”, bà Xuân nói và cho rằng, lãi suất trên thị trường hiện đã thấp, nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế.

Theo bà Xuân, lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế ở pha phục hồi. Cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng công bố công khai biểu lãi suất cho vay bình quân, sẽ giúp cho thị trường công khai và minh bạch hơn. Kỳ vọng từ việc công khai lãi suất cho vay này sẽ khiến dòng vốn điều hướng về phía những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn và các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau về dịch vụ. Các ngân hàng đang theo chiến lược thu hút vốn ngắn, xoay vòng ngắn, lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên. Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ duy trì thấp kích thích cầu vốn.

Tin bài liên quan