ACBS nhìn nhận, mặc dù có vẻ như số liệu lạm phát có thể đã đạt đỉnh ở nhiều thị trường do giá một số mặt hàng chủ chốt đang giảm xuống, nhưng lo ngại lạm phát và các hành động tăng lãi suất quyết liệt của ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối năm, gây áp lực lên tâm lý ngắn hạn.
Nhóm phân tích của ACBS kỳ vọng, thị trường sẽ bình thường hóa vào năm 2023 khi mức định giá sẽ trở lại mức lịch sử. Tuy nhiên, ACBS nhận thấy thời gian còn lại của năm tiếp tục giao dịch quanh mức định giá kể từ khi thị trường chuyển sang tháng 4 với tâm lý mờ nhạt.
3 kịch bản những tháng cuối năm 2022
Kịch bản cơ sở: Chỉ số VN-Index sẽ giao dịch ở mức 13,7 lần vào cuối năm (thấp hơn khoảng 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 3 năm), dẫn đến chỉ số VN-Index sẽ khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2022.
Kịch bản lạc quan: Bội số thu nhập sẽ trở lại mức 15x, dẫn đến chỉ số VN-Index đạt mức 1.500 -1.600 điểm.
Kịch bản bi quan: Chỉ số VN-Index sẽ gặp khó khăn để tăng điểm vào cuối năm và kết thúc giao dịch ở mức 12,5 lần lợi nhuận để đóng quanh mức 1.200 điểm.
Triển vọng ngành quý IV
Ngân hàng
ACBS kỳ vọng hoạt động kinh doanh cốt lõi tiếp tục tăng trưởng ổn định. Việc tăng lãi suất huy động được kỳ vọng sẽ không có tác động đáng kể lên NIM do lãi suất cho vay cũng có xu hướng tăng. Ngoài ra, với việc Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2%, thu nhập lãi thuần dự kiến sẽ tăng trưởng khá tốt trong nửa cuối năm 2022.
Bên cạnh đó, áp lực trích lập dự phòng giảm xuống sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết tăng cao trong nửa cuối năm 2022.
Tiêu dùng
Trong ngắn hạn, nền kinh tế vẫn sẽ chịu ảnh hưởng bởi nhiều tố lạm phát, tình trạng thời tiết khắc nghiệt, chuỗi cung ứng vẫn bị gián đoạn. ACBS dự kiến giá nguyên vật liệu vẫn sẽ biến động nhiều trong ngắn hạn dẫn tới biên lợi nhuận của các công ty trong ngành cũng sẽ không ổn định và sẽ phân hóa.
Dù vậy, triển vọng kinh tế chung trong dài hạn vẫn sáng với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam kỳ vọng vẫn sẽ duy trì tăng trưởng. Tầng lớp trung lưu mới nổi với tăng trưởng thu nhập sẽ là những động lực chính cho ngành Tiêu dùng phát triển.
Bất động sản khu công nghiệp
ACBS duy trì triển vọng tích cực dựa trên nhiều yếu tố thuận lợi như: vị trí địa lý, tình hình vĩ mô tương đối ổn định so với khu vực, nguồn lao động trẻ và dồi dào, nhiều hiệp định thương mại được ký kết... Do diện tích đất hạn chế và nhu cầu ổn định từ các công ty nước ngoài nên giá thuê dự kiến sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở phía Nam do nguồn cung mới ở phía Bắc nhiều hơn phía Nam.
Về dài hạn, nguồn cung mới sẽ dịch chuyển ra xa các khu vực truyền thống (Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh ở phía Nam và Quảng Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình và Nam Định ở phía Bắc) vì những địa phương này có giá thuê hợp lý hơn và diện tích cho thuê còn nhiều. Đặc biệt, các trung tâm logistics mới sẽ được thiết lập tại các khu vực công nghiệp lớn.
Bất động sản nhà ở
Với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng tăng và khả năng thích ứng với giai đoạn “bình thường mới”, ACBS cho rằng, nguồn cung căn hộ mới sẽ phục hồi vào khoảng 20.000 - 25.000 căn tại Hà Nội/TP.HCM. Những yếu tố thuận lợi hỗ trợ sự phục hồi của thị trường là việc xây dựng/phê duyệt các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, tầng lớp thu nhập trung bình tăng và tốc độ đô thị hóa cao.
Trong khi đó, thị trường đối mặt với những thách thức như lãi suất tăng, lạm phát, tăng trưởng tín dụng thấp và hạn chế cho vay đối với những ngành có rủi ro cao như bất động sản. Do đó, nhu cầu mua nhà sẽ giảm và giá bán sẽ đi ngang. TP. HCM và Hà Nội sẽ chào đón nhiều dự án căn hộ có thương hiệu hơn trong khi nguồn cung các dự án căn hộ bình dân (giá bán dưới 1.000 USD/m2) sẽ tiếp tục khan hiếm mặc dù nhu cầu ở phân khúc này rất cao.
Dầu khí
Giá dầu Brent dự kiến sẽ hạ nhiệt và duy trì ở mức 85 - 95 USD/thùng trong những tháng còn lại của năm do nguồn cung đang tăng dần trở lại và nhu cầu lại chưa có những dấu hiệu tích cực.
Về nguồn cung thoả thuận hạt nhân Iran đang có khả năng được khôi phục. Sản lượng dầu thô Mỹ đã tăng khoảng 6,4% (tương đương 700.000 thùng/ngày) so với cùng kỳ nhưng vẫn thấp hơn khoảng 1 triệu thùng/ ngày so với thời điểm trước dịch Covid. Mặt khác, các lệnh trừng phạt lên dầu thô Nga dường gây ra ít tác động hơn so với dự báo của thị trường.
Về nhu cầu, chỉ số PMI Trung Quốc giảm xuống 49.0 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc. Nhiều thành phố ở Trung Quốc cũng đang phong toả trở lại vì Covid-19. Ngoài ra, giá xăng cao và lo ngại về lạm phát cùng với suy thoái kinh tế đã khiến cho nhu cầu xăng dầu Mỹ giảm dù hiện đang trong mùa hè lái xe cao điểm.
Điện
ACBS kỳ vọng toàn bộ mảng năng lượng sẽ trở nên tươi sáng hơn nhờ sự phục hồi của nền kinh tế vào năm 2022, đặc biệt là sự bình thường hóa của nhiều doanh nghiệp và hoạt động sản xuất sau đại dịch. Tuy nhiên, sẽ có sự ưu tiên giữa các nguồn năng lượng khác nhau.
Nhiệt điện than sẽ hoạt động tốt từ năm 2023 mặc dù các doanh nghiệp này có thể bị ảnh hưởng bởi giá than đầu vào cao. Thủy điện sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là quý III/2022 do Việt Nam đang bước vào mùa mưa, khiến lượng mưa nói chung cao hơn.
Nhiệt điện khí có kết quả kinh doanh quý II kém khả quan hơn so với nhóm điện than do giá khí đầu vào tăng làm giảm biên lợi nhuận ròng. Năng lượng tái tạo nhiều tiềm năng và dự kiến sẽ là định hướng phát triển của Việt Nam trong tương lai ngành năng lượng.
Thủy sản
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tiếp tục tăng so với năm 2021 (từ mức nền thấp trong Covid-19), nhưng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã bắt đầu giảm sau giai đoạn 5 tháng đầu năm tăng vọt (gần 50%).
Tăng trưởng chậm lại lần lượt chỉ đạt 10,9% và 13,6% vào tháng 6 và tháng 7/2022. Trong đó, xuất khẩu cá tra tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng khá 46 - 48% trong khi xuất khẩu tôm gần như đi ngang (12,1% vào tháng 6/2022 và 1,8% vào tháng 7/2022) do thiếu nguyên liệu.
Nguyên liệu xây dựng
Ngành vật liệu xây dựng có khởi đầu rất tốt khi nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên, những sự kiện trong quý II đã giáng một đòn nặng lên những kỳ vọng cho sự phục hồi của ngành. Mặt khác, tốc độ giải ngân chậm của các dự án đầu tư công cùng với hạn chế đối với việc tiếp cận nguồn vốn vay của các doanh nghiệp bất động sản cũng góp phần làm chậm đi nhu cầu vật liệu xây dựng trong nước.