Số liệu thống kê thị trường tôm thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cho thấy, năm 2017, sản lượng nuôi tôm ghi nhận mức tăng trưởng 17%, trong đó Việt Nam đóng góp hơn 720.000 tấn tôm các loại, tăng 8,9% so với năm 2016.
Việt Nam xếp thứ 3 trong Top 10 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, với kim ngạch xuất khẩu 3,85 tỷ USD, sau Ấn Độ và Ecuador. Tuy nhiên, khoảng cách so với mức hơn 7 tỷ USD của vị trí thứ nhất hiện nay là Ấn Độ khá xa. Đây là quốc gia chiếm hơn 35% sản lượng xuất khẩu tôm toàn cầu.
Ông Mark Wolczko, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Aditya Birla Chemicals (Thái Lan) đánh giá, ngành xuất khẩu tôm Ấn Độ đang trong thời kỳ bùng nổ, với mức tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm. Ngoài Ấn Độ thì Thái Lan và Indonesia là 2 quốc gia trong khu vực đang cạnh tranh lớn với Việt Nam về sản phẩm tôm, với nhiều yếu tố tương đồng.
Indonesia có lợi thế là vùng tài nguyên nước biển và nước lợ khổng lồ, vị trí chiến lược cho xuất khẩu, cơ sở hạ tầng cho ngành thuận lợi, nhưng đang đối mặt với rủi ro dịch bệnh, dư lượng kháng sinh và giá thức ăn chăn nuôi tăng. Thái Lan có lợi thế nguồn nguyên liệu, nhà máy chế biến và kỹ thuật chế biến, nhưng hiện đối mặt với nguy cơ tái phát dịch bệnh.
Theo Nhóm nghiên cứu về thị trường tôm tại Hội nghị Thị trường thủy sản toàn cầu (GSMC), sự tăng trưởng mạnh từ Ấn Độ và Trung Quốc, sự phục hồi sản lượng từ các nước Mỹ Latinh và châu Á khác sẽ thúc đẩy sản lượng tôm thế giới vượt qua 3,5 triệu tấn năm 2018. Cùng với sản lượng tăng từ Ấn Độ và Ecuador, sản lượng tôm Việt Nam cũng được dự báo tăng trong năm 2018.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, tốc độ tăng trưởng ngành tôm Việt Nam cao hơn mức tăng trưởng trung bình thế giới 4 - 5%/năm. Việt Nam có khả năng đáp ứng sản phẩm tôm khi nhu cầu thế giới tăng.
Cùng với cá tra, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam. Cả nước hiện có hơn 700.000 ha diện tích nuôi, gần 100 nhà máy chế biến tôm các loại, năng suất bình quân đạt 500.000 tấn/ha, với trình độ chế biến ở ngưỡng cao trên thế giới, vượt cả Thái Lan và Indonesia. Việt Nam là nơi sở hữu nhiều nhà máy lớn của khu vực và thế giới, nên thu hút hệ thống phân phối thủy sản lớn trên toàn cầu.
“Các thông tin tích cực trên tạo nên bức tranh sáng sủa của ngành tôm Việt Nam, nhưng trong đó vẫn có những góc khuất, tiềm ẩn rủi ro cho ngành”, ông Lực nhận xét và cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ, manh mún.
Bên cạnh đó, khả năng tài chính hạn chế của những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ khiến họ không có khả năng tiếp cận đầu vào nuôi tôm chất lượng cao, dẫn đến tình trạng lựa chọn đầu vào chất lượng hợp túi tiền nhưng rủi ro tiềm ẩn, nhất là khâu chế biến và tiêu thụ.
Theo ông Lực, để thị trường quốc tế chấp nhận giá bán cao, Việt Nam buộc phải đầu tư trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, trong tổng số 700.000 ha diện tích nuôi, chỉ có gần 10.000 ha nuôi đạt chuẩn quốc tế. “Để quốc tế chấp nhận giá bán tốt hơn, doanh nghiệp phải tìm cách tăng diện tích nuôi đạt chuẩn quốc tế”, ông Lực nói.
Nghiên cứu viên cao cấp của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) ông Hoàng Tùng cho biết, tôm hiện là một trong những mặt hàng có giá trị cao về mặt xuất khẩu của Việt Nam, nhưng năng suất nuôi tôm sú khá thấp. Với tôm thẻ, công nghệ, trình độ nuôi rất cao. Hiện nay, có những trang trại nuôi siêu thâm canh, với mật độ 12 - 13 kg/m3 nước, không phải quốc gia nào cũng làm được.
Tại Việt Nam, Chính phủ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD trước năm 2030 (dự kiến năm 2025); 91% xuất khẩu và 9% tiêu thụ nội địa. Theo ông Tùng, để tăng kim ngạch xuất khẩu từ 3,85 tỷ USD năm 2017 lên 10 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi bình quân phải đạt 12,7%/năm. Đây là mục tiêu không đơn giản. Trên thế giới, khi sản lượng nuôi tôm đạt từ 500.000 - 600.000 thường sẽ nảy sinh các vấn đề về môi trường, điển hình như ở Thái Lan, Trung Quốc.
Chuyên gia từ CSIRO cho rằng, tiềm năng lớn nằm ở các thị trường nhỏ với những sản phẩm chất lượng cao, chi phí cao hơn, nhưng giá bán có thể sẽ rất cao. Cái làm nên sự khác biệt nằm ở phương thức sản xuất của từng doanh nghiệp và nếu bắt kịp xu thế thị trường sẽ có nhiều cơ hội cải thiện hiệu quả.