Trong báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2022 là 3%, giảm mạnh so với mức 4,5% được đưa ra hồi tháng 12/2021. Bên cạnh đó, tổ chức này nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên, lên 8,5% - mức cao nhất kể từ năm 1988.
Bà Laurence Boone, Kinh tế trưởng kiêm Phó tổng thư ký OECD nhận định, thế giới sẽ phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời cảnh báo một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang manh nha. Mức độ giảm tăng trưởng và tăng lạm phát đến đâu sẽ phụ thuộc vào diễn biến cuộc xung đột, nhưng điều chắc chắn là những nước nghèo nhất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
OECD cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 3,7% xuống 2,5%, trong khi dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc cũng giảm từ 5,1% xuống 4,4%. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 2,6%, thay vì 4,3% như đã được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 12.
Nguy cơ thiếu lương thực do phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Nga và Ukraine cùng với căng thẳng leo thang trong vấn đề về dầu mỏ, khí đốt với Nga và tình hình dịch bệnh phức tạp ở Trung Quốc là yếu tố khiến OECD đang e ngại.
Bên cạnh đó, việc các ngân hàng trung ương thắt chặt các chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát cũng gây ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng nhiều hơn ước tính.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2022, từ 4,1% xuống còn 2,9%, thấp hơn đáng kể so với mức 4,1% đã được dự đoán hồi tháng 1 vừa qua. Trong đó, ''nền kinh tế Nga được dự báo sẽ giảm 8,9% vào năm 2022, phản ánh nhu cầu trong nước giảm mạnh và kim ngạch xuất khẩu giảm. GDP của Nga dự kiến sẽ tiếp tục giảm 2% vào năm 2023, do tác động của lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga đối với xuất khẩu ròng".
WB dự báo, trong năm nay, giá cả các mặt hàng nông sản sẽ tăng 18%, do sản lượng ngũ cốc tại Ukraine sụt giảm mạnh và chi phí đầu vào tăng cao. Giá cả các mặt hàng kim loại sẽ tiếp tục tăng 12% sau khi đã tăng đáng kể trong năm 2021. Trong đó, giá nhôm có thể tăng tới 30%, do Nga là quốc gia xuất khẩu chủ chốt.
Lạm phát cũng được kỳ vọng sẽ đạt đỉnh vào giữa năm 2022, sau đó sẽ giảm rất chậm do GDP toàn cầu chỉ tăng khiêm tốn. Lạm phát năm nay được dự báo là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn lần lượt 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), với các biện pháp trừng phạt hiện nay, xuất khẩu dầu của Nga có thể giảm 2,5 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn, khoảng 30% lượng dầu xuất khẩu hiện hành của quốc gia này và 3% nguồn cung toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giá năng lượng sẽ tăng 52% trong năm nay, cao hơn 47% so với dự báo trước đó.
Dự báo, giá trung bình đối với dầu thô Brent sẽ vào khoảng 100 USD/thùng, cao hơn dự báo trước đó tới 24 USD/thùng. Giá dầu sẽ giảm nhẹ từ năm 2023, khi sản lượng dầu trên thế giới tăng dần. Tuy nhiên, giá dầu sẽ đứng ở mức rất cao so với dự báo trước đó và vượt mức giá trung bình trong 5 năm vừa qua.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng dự kiến tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay vào tháng tới. Nếu thế thì đây sẽ là lần thứ 3 IMF hạ dự báo trong năm nay. Tháng 4 vừa qua, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu gần 1 điểm phần trăm, xuống 3,6% trong năm nay và năm sau.
Việc xung đột đang tiếp diễn ở Ukraine, giá cả hàng hóa không ổn định, giá lương thực và năng lượng neo ở mức cao và sự giảm tốc nghiêm trọng hơn dự báo của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến IMF phải cắt giảm dự báo.
Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cho rằng thời gian gần đây, triển vọng kinh tế toàn cầu đã trở nên ngày càng “ảm đạm” và có thể phải đối mặt với “thách thức lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai".